Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hơn 1.500 lễ hội trong năm 2024

Ngoài chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức lễ hội, nhiều địa phương đã đưa vào những hoạt động mới mang tính sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn bản sắc truyền thống của các lễ hội.

Những con thuyền tại suối Yến sẵn phục vụ du khách dự Lễ hội Chùa Hương. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Những con thuyền tại suối Yến sẵn phục vụ du khách dự Lễ hội Chùa Hương. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hà Nội chuẩn bị bước vào mùa lễ hội Xuân 2024. Cùng với sự hồ hởi, sôi động của một mùa lễ hội mới, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn lại được đặt ra bởi thành phố luôn quan tâm đến sự an toàn, văn minh cũng như việc giữ gìn bản sắc truyền thống của các lễ hội.

Các quận, huyện, thị xã đều chuẩn bị tốt điều kiện cho việc tổ chức lễ hội, đặc biệt nhiều địa phương đã đưa vào những hoạt động mới mang tính sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên vẹn của lễ hội.

Nhiều nét mới trong tổ chức

Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội lớn nhất cả nước, trong năm 2024 sẽ có khoảng hơn 1.500 lễ hội được tổ chức.

Một số lễ hội lớn thu hút đông đảo khách thập phương tham gia như Lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Lễ hội Láng, Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (quận Đống Đa), Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì)...

Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm nay sẽ diễn ra từ ngày 14-16/2 (mùng 5 đến mùng 7 năm Giáp Thìn).

Các nghi lễ như lễ rước kiệu, nghi thức tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương đảm bảo tính truyền thống; phần hội diễn ra với các hoạt động văn nghệ của các đoàn nghệ thuật, cờ tướng, cờ người, các trò chơi dân gian.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội, công tác chỉnh trang đô thị đã hoàn thiện.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa Đặng Thị Mai cho biết trong các ngày diễn ra sự kiện, Ban Tổ chức sẽ sắp xếp nơi trông giữ xe riêng, không thu phí; tăng cường quản lý đảm bảo không có kinh doanh dịch vụ trong khuôn viên lễ hội.

Sau phần nghi lễ trang nghiêm vào ngày mùng 5, phần hội sẽ diễn ra hai ngày, trong đó thành phố sẽ tổ chức thêm một đêm nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 có nhiều đổi mới.

Ngoài các hoạt động rước kiệu, tế lễ theo nghi thức truyền thống địa phương, huyện Mê Linh tổ chức lễ kỷ niệm và khai hội vào tối mùng 6 tháng Giêng thay vì ban ngày như mọi năm.

Đặc biệt, buổi lễ năm nay sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại “Âm vang Mê Linh.”

Đây là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại, kể lại câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại, mới mẻ, với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kỹ xảo ánh sáng, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…

le hoi hai ba trung.JPG
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping LED matrix hiện đại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Công nghệ 3D mapping sẽ vẽ lại bức tranh oanh liệt thời đại Hai Bà Trưng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan một cách chân thực.

Tại Sóc Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tống Giang Phúc cho biết đối với lễ hội Gióng đền Sóc năm nay, Ban Tổ chức đề xuất thời gian tổ chức từ 7 giờ thay vì từ 6 giờ đến 6 giờ 30 phút như hằng năm.

Năm 2024, Lễ hội Gióng đền Sóc có điểm mới với quan điểm phần hội là của người dân và dành phần nhiều cho sự tham gia của nhân dân. Do đó, công tác chuẩn bị về mặt bằng đã được lên kế hoạch, toàn bộ khu vực 2 của đền Gióng sẽ trở thành nơi tổ chức các hoạt động của lễ hội, nơi diễn ra các trò chơi dân gian và trải nghiệm văn hóa, hoạt động văn nghệ hát dân ca với sự tham gia của người dân các thôn làng, các xã.

Dự kiến, lễ hội năm nay có 9 đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.000 người.

Đảm bảo an toàn, văn minh

Với 98 lễ hội trên địa bàn, trong đó 83 lễ hội diễn ra trong mùa Xuân, huyện Đông Anh là một trong những địa phương có nhiều lễ hội của Hà Nội.

Để đảm bảo việc tổ chức, quản lý mùa lễ hội văn minh, an toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn từng đơn vị và cam kết thực hiện quản lý, tổ chức lễ hội theo đúng quy định, đảm bảo các tiêu chí trong Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.

100% xã, thị trấn đều ban hành phương án quản lý và tổ chức Lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024, thực hiện quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định.

Riêng với Lễ hội Cổ Loa và Lễ hội đền Sái - hai lễ hội lớn nhất trên địa bàn huyện Đông Anh, hai xã Cổ Loa và Thụy Lâm đã xây dựng phương án, phân công nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự phục vụ lễ hội; huy động các lực lượng trực chốt đảm bảo an ninh trật tự tại các vị trí theo quy định.

Ủy ban Nhân dân hai xã Cổ Loa và Thụy lâm đã xây dựng phương án “Lễ hội không ôtô, xe máy”, một số vị trí đã bố trí rào chắn đảm bảo các phương tiện không ra vào được.

Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn) diễn ra từ mùng 6-8 tháng Giêng hàng năm, thu hút hàng vạn khách thập phương về trẩy hội.

le hoi giong.jpg
Lễ hội Gióng Đền Sóc: Hoa tre sau khi làm lễ tại sân Rồng được bảo vệ nghiêm ngặt trên đường đưa về đền Hạ để dâng lễ. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sau nhiều năm đổi mới công tác tổ chức, quản lý, hiện tượng cướp lộc không còn, thay vào đó, Ban Tổ chức phát lộc sau khi lễ Thánh xong, người dân nhận lễ trong trật tự, phấn khởi.

Ban Tổ chức lễ hội đã chuẩn bị sớm về cơ sở vật chất, 8 thôn làng đã chuẩn bị xong các lễ vật, lễ phẩm.

Năm nay, Ban Tổ chức sẽ siết chặt các hoạt động trông giữ xe, bảo đảm an ninh trật tự cho người dự hội; nghiêm cấm việc nâng giá bán sản phẩm, buôn bán hàng giả, hàng nhái, ấn phẩm mê tín dị đoan tại lễ hội.

Là một lễ hội diễn ra sớm, Lễ hội vật cầu Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai) năm nay tổ chức ngày 13-15/2 (tức từ mùng 4-6 tháng Giêng) để tưởng nhớ công ơn của Linh Lang Đại vương và cũng là thể hiện truyền thống thượng võ, gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.

Để tổ chức cho lễ hội vật cầu Xuân năm nay, địa phương đã xây dựng kế hoạch phân công cho các đơn vị, phòng ban trong phường Lĩnh Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Lĩnh Nam Hoàng Việt cho biết việc tổ chức lễ hội đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản khi tham gia, không để xảy ra hiện tượng mê tín, dị đoan, lên đồng, bói toán.

Lễ hội vật cầu không chỉ tạo sự vui tươi, phấn khởi trong nhân dân mà còn phải đảm bảo trật tự xã hội, an toàn giao thông trước, trong và sau lễ hội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị các địa phương chuẩn bị thật chu đáo cho mùa lễ hội 2024.

Phần lễ phải tuân thủ quy định truyền thống của địa phương; tổ chức trang trọng, chuyên nghiệp thể hiện giá trị riêng có của địa phương. Phần hội phải thể hiện rõ bản sắc văn hóa của địa phương hướng tới xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các địa phương thực hiện tốt “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành; quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường; đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ; tăng cường kiểm tra, duy trì nét đẹp của lễ hội…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục