Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức tại 6 bộ và 3 tỉnh, thành.
Đối tượng và mục đích thanh tra
Theo Kế hoạch, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông Vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Kế hoạch nhằm đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc thực hiện trách nhiệm công vụ trên phạm vi cả nước, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có nhiều bức xúc trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương; ghi nhận cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước; kịp thời phát hiện những thiếu sót hoặc vi phạm trong quá trình thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi cả nước để kiến nghị biện pháp khắc phục.
Kết quả thanh tra sẽ được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, xác định tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm (nếu có), sửa đổi cơ chế chính sách, tháo gỡ trong tổ chức, thực hiện; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện trách nhiệm công vụ.
Nhiệm vụ và trách nhiệm của các đoàn thanh tra
Để kế hoạch triển khai hiệu quả, yêu cầu đặt ra là việc thanh tra phải bảo đảm chính xác, khách quan, không gây cản trở đến hoạt động của đơn vị được thanh tra; tuân thủ đúng quy định của pháp luật; có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thanh tra.
Các đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra trực tiếp, với thời hạn là tối đa 45 ngày, triển khai thanh tra trong tháng 12/2023. Trong đó, thời kỳ thanh tra được xác định là từ ngày 15/7/2021 cho đến 30/11/2023 (thời điểm ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành Chương trình Tổng thể Cải cách Hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ).
Thanh tra Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành thanh tra tại các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phů.
Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra tại các quận, huyện, sở, ban, ngành trực thuộc.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung thanh tra, thời kỳ thanh tra, đối tượng thanh tra để thống nhất thực hiện.
Vụ Kế hoạch-Tổng hợp chủ trì, phối hợp với các vụ: I, II, III; các cục: I, II tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ Thành lập tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện thanh tra của thanh tra các bộ, ngành, địa phương; xử lý những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ; tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề và đề xuất, kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật.
Các vụ I, II, III chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch-Tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu thành lập 3 đoàn thanh tra theo Quyết định số 616/QĐ-TTCP ngày 10/11/2023 của Tổng Thanh tra Chính phủ (thành phần đoàn thanh tra do 1 lãnh đạo cấp vụ của Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn, phó trưởng đoàn là lãnh đạo cấp vụ Bộ Nội vụ. Thành viên gồm công chức của Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp).
Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ban hành văn bản gửi: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp cử công chức tham gia đoàn thanh tra và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong quá trình thanh tra.
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch này, đề cương hướng dẫn gửi kèm theo kế hoạch và tình hình thực tế thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp trong quý IV năm 2023 của cơ quan, đơn vị mình.
Kết thúc thanh tra báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra theo đề cương của Thanh tra Chính phủ để tổng hợp kết quả thanh tra trên toàn quốc.
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương căn cứ đề cương ban hành kèm theo kế hoạch này khảo sát, nắm tình hình tại bộ, ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra cho phù hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai trong tháng 12/2023.
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương kết thúc thanh tra trực tiếp, tổng hợp kết quả trình cấp có thẩm quyền để ban hành báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra, đồng thời gửi Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/4/2024 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo kết quả thanh tra gửi Thanh tra Chính phủ, tổng hợp theo các nội dung hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
Để Thanh tra Chính phủ kết quả tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024, thanh tra các bộ, ngành, địa phương báo cáo Thanh tra Chính phủ trước ngày 31/12/2023 về số lượng các đoàn, thời gian thanh tra, thời gian kết thúc, số lượng các cơ quan, đơn vị được thanh tra; tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra gửi Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/4/2024./.
Thay đổi thành viên Tổ công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng
Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, là thành viên Tổ công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ thay ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.