Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 25/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 231.864.262 ca bệnh COVID-19, trong đó có 4.750.491 ca tử vong. Hơn 208,44 triệu bệnh nhân đã phục hồi trong khi vẫn còn 18,66 triệu bệnh nhân đang được điều trị.
Tại Đông Nam Á, đến hết ngày 24/9, Singapore ghi nhận tổng cộng 84.510 ca bệnh, tăng 1.650 ca so với một ngày trước đó. Trong số các ca mới ghi nhận thêm có 1.369 ca trong cộng đồng, 277 ca tại các nhà trọ dành cho người lao động lập cư và 4 ca nhập cảnh.
Theo Bộ Y tế Singapore, còn hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện ở nước này, với 162 ca bệnh nặng cần thở oxy và 23 trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Hiện Singapore đã tiêm phòng đầy đủ cho 82% dân số và khoảng 84% dân số đã được tiêm ít nhất 1 mũi.
Trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại, giới chức Singapore đã quyết định trở lại giai đoạn "Cảnh báo tăng cường" với việc thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 1 tháng, kể từ ngày 27/9, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm gia tăng làm quá tải hệ thống y tế.
Tại châu Âu, Italy đã công nhận vaccine Covishield phòng COVID-19 do Ấn Độ sản xuất, đồng nghĩa rằng những người đã được tiêm vaccine Covishield có thể nhập cảnh Italy nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định như xét nghiệm hoặc cách ly. Đây là thông tin được Đại sứ quán Ấn Độ tại Rome xác nhận sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya và người đồng cấp Italy Roberto Speranza.
Cho đến nay, Italy mới chỉ công nhận 4 loại vaccine được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép là Vaxzevria (AstraZeneca), Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Spikevax (Moderna), Janssen (Johnson & Johnson), tức là chỉ những người tiêm 4 loại vaccine này được coi là đã tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh. Italy là quốc gia EU thứ 19 công nhận vaccine Covishield.
[Singapore thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội]
Anh ghi nhận thêm 35.623 ca mắc mới trong 24 giờ qua nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 7.601.487 ca. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này đã tăng lên 135.983 ca, thêm 180 ca so với một ngày trước đó. Hiện tỷ lệ lây nhiễm (R), tức số người bị lây nhiễm từ một người bệnh, tại Anh đã giảm nhẹ xuống mức từ 0,8-1.
Hơn 89% dân số Anh trên 16 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và hơn 82% đã được tiêm đầy đủ. Theo kế hoạch chuẩn bị mở cửa đi lại quốc tế, từ cuối tháng 10, những hành khách từ các quốc gia trong danh sách đỏ về hạn chế đi lại nếu đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ không cần phải thực hiện xét nghiệm PCR mà chỉ cần xét nghiệm dịch mũi họng vào ngày thứ 2 sau khi nhập cảnh.
Ireland thông báo số trẻ em dưới 14 tuổi mắc bệnh COVID-19 hiện đang cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Cụ thể, trong tuần tính đến ngày 17/9, Ireland ghi nhận tổng cộng 8.662 ca mắc bệnh, trong đó trẻ dưới 14 tuổi chiếm 34%, cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi.
Trong khi đó, nhóm từ 25-44 tuổi chiếm 27%, tiếp đến là nhóm từ 45-64 tuổi chiếm 17%, nhóm từ 15-24 tuổi chiếm 15% và chỉ có 7% số ca bệnh là trên 65 tuổi. Tổng số ca mắc mới COVID-19 hằng tuần ghi nhận ở nhóm dưới 14 tuổi tại Ireland đã tăng gấp 3 so với 2 tháng trước đó. Ireland đã bắt đầu tiêm phòng cho trẻ từ 12-15 tuổi nhưng chưa có kế hoạch tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Hơn 90% người trưởng thành tại nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.
Tại châu Mỹ, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ thông báo sẽ cung cấp 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Peru và lô đầu tiên sẽ được chuyển giao vào đầu năm 2022. Theo thông báo, hiện Moderna đang làm việc với các cơ quan chức năng của Peru để sớm có được các giấy phép cần thiết trước khi phân phối vaccine tại quốc gia Nam Mỹ này.
Hồi tháng 7, Peru cũng đã mua của Nga 20 triệu liều vaccine Sputnik V để phục vụ cho chương trình tiêm phòng COVID-19 đại trà. Ngoài ra, quốc gia Nam Mỹ này cũng đã ký kết thỏa thuận với các hãng Pfizer, AstraZeneca và Sinopharm. Đến nay, Peru đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng cho khoảng 37,6% dân số. Thống kê chính thức cho thấy Peru đã ghi nhận hơn 2,1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 199.108 trường hợp tử vong./.