Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h30 sáng 16/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 272.447.588 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.345.055 ca tử vong. Tổng số ca đã khỏi bệnh là 244.756.615 ca.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt sau khi biến thể Omicron xuất hiện, khiến nhiều quốc gia phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos khuyến cáo những công dân nước này có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hủy chuyến đi của họ.
Ngoài cảnh báo đi lại mới, Bộ trưởng Duclos cho biết Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC) sẽ tăng cường chương trình xét nghiệm bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh tại các sân bay của Canada. Ông cho biết Canada có thể xử lý tới 17.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Bộ Y tế Italy đã đưa Singapore và Brunei vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn. Theo đó, kể từ ngày 16/12, cư dân hai quốc gia Đông Nam Á này không được đến Italy để du lịch, mà chỉ được đến để làm việc, học tập, chữa bệnh hoặc về nhà.
Các trường hợp cụ thể có thể được miễn trừ, chẳng hạn như nếu khách du lịch là công dân của một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hoặc có đối tác lưu trú tại Italy. Những người được phép nhập cảnh phải tự cách ly trong 10 ngày tại một địa chỉ đã khai báo.
Du khách từ Singapore vẫn có thể quá cảnh qua các sân bay của Italy để đến các điểm đến khác, miễn là họ không ra khỏi các khu vực được chỉ định trong sân bay. Những hạn chế này sẽ được áp dụng từ ngày 16/12 cho đến ngày 31/1/2022.
Về tình hình dịch bệnh tại Italy, Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) công bố dữ liệu của một cuộc khảo sát nhanh cho thấy biến thể Delta chiếm hơn 99% số ca lây nhiễm trong ngày 6/12 tại nước này, trong khi biến thể mới Omicron chiếm 0,19%, cụ thể là 4 ca trong cùng ngày.
[Omicron có khả năng làm tăng số ca nhập viện và tử vong tại châu Âu]
Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Anh ghi nhận ngày 15/12 đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào đầu năm ngoái với 78.610 trường hợp dương tính. Sự xuất hiện của biến thể Omicron được cho là đã làm gia tăng số ca nhiễm mới tại Anh, thể hiện qua số ca mắc ghi nhận ngày 15/12 vượt xa mốc cao nhất trong một ngày thông báo trước đó vào tháng Một năm nay là 68.053 trường hợp với sự lây lan của biến thể Alpha.
Trước bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh tại Anh, một nguồn tin Chính phủ Pháp cho biết nước này đang có kế hoạch áp đặt quy định xét nghiệm PCR bắt buộc đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ Anh. Tổng thống Emmanuel Macron ngày 15/12 cũng tuyên bố có khả năng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ trở thành quy định bắt buộc tại Pháp.
Cảnh báo tình hình dịch bệnh tại châu Âu, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho rằng biến thể Omicron có khả năng làm tăng số ca nhập viện và tử vong tại châu Âu, đồng thời có thể là tác nhân chính gây ra các ca nhiễm mới tại châu Âu vào tháng 1 hoặc tháng 2/2022.
ECDC khuyến nghị các hệ thống y tế phải hành động ngay lập tức để tăng cường năng lực, trong khi các chính phủ không được loại bỏ các biện pháp phòng dịch như yêu cầu đeo khẩu trang và làm việc từ xa khi cho rằng ngay cả khi biến thể Omicron gây ra bệnh lý ít nghiêm trọng hơn, nhưng sẽ nhanh chóng gây ra các ca bệnh theo cấp số nhân, từ đó dẫn tới mức độ nhập viện và tử vong cao hơn.
Mặc dù vậy, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - bà Maria Van Kerkhove, cho rằng thế giới có đủ công cụ để chiến thắng hoàn toàn đại dịch COVID-19 trong năm 2022.
Tuy nhiên, WHO cho rằng cần thêm dữ liệu để đánh giá rõ hơn về mức độ biến thể Omicron có thể lẩn tránh hệ miễn dịch của người đã tiêm vaccine hay từng nhiễm virus.
WHO hối thúc các nước cần nhanh chóng có hành động để hạn chế sự lây lan, bảo vệ hệ thống y tế, tránh tâm lý chủ quan./.