Thế giới đã vượt mốc 79 triệu trường hợp mắc COVID-19

Tính đến 8 giờ ngày 24/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 79.025.877 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.736.338 ca tử vong.
Thế giới đã vượt mốc 79 triệu trường hợp mắc COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 24/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 79.025.877 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.736.338 ca tử vong.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 55.603.078 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 334.128 ca tử vong trong tổng số 18.910.544 ca nhiễm.

Tiếp đó là Ấn Độ với 146.778 ca tử vong trong số 10.123.544 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 189.264 ca tử vong trong số 7.366.677 bệnh nhân.

[Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Pháp vượt khỏi tầm kiểm soát]

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 162 người tử vong. Tiếp đến là Italy với 116 người và Peru với 113 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 24,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 529.900 ca tử vong.

Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 489.300 ca tử vong trong hơn 14,8 triệu ca nhiễm.

Bắc Mỹ có hơn 18,7 triệu ca nhiễm, trong đó 337.200 ca tử vong.

Châu Á ghi nhận hơn 212.700 ca tử vong trong hơn 13,5 triệu ca nhiễm.

Trung Đông có hơn 87.700 ca tử vong, châu Phi có hơn 60.200 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 944 người.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho biết châu lục này đã ghi nhận 2.544.950 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 60.254 ca tử vong.

Ngoài ra, 2.145.138 người mắc COVID-19 trên toàn châu lục đã được điều trị khỏi bệnh.

Các nước châu Phi có số bệnh nhân cao nhất lần lượt là Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Tunisia và Ethiopia.

Khu vực phía Nam châu Phi là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, cả về số ca mắc bệnh cũng như số ca tử vong. Tiếp đó là khu vực Bắc Phi.

Bộ Y tế Ai Cập cho biết quốc gia Bắc Phi này hiện đang trong làn sóng thứ hai của dịch COVID-19. Trong 24 giờ qua, Ai Cập đã ghi nhận 911 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 42 ca tử vong.

Như vậy, tính đến nay Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng 127.972 ca mắc COVID-19 và 7.209 trường hợp tử vong.

Thông báo của Bộ Y tế Ai Cập nêu rõ: “Đây là tuần thứ 51 kể từ khi phát hiện ra trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 ở Ai Cập. Tuần này đã chứng kiến sự tăng vọt về số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 được ghi nhận theo ngày.”

Cairo, Alexandria, Qalioubiya, và Giza là những địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại Ai Cập. Nước này hiện đã cấm tổ chức tất cả các hoạt động đón mừng Năm mới 2021 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Thế giới đã vượt mốc 79 triệu trường hợp mắc COVID-19 ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại châu Âu, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết sẽ nối lại các chuyến bay đến Anh và Nam Phi để có thể đưa du khách hai nước trở về nhà vào dịp Giáng sinh. Các chuyến bay này sẽ tạm thời được nối lại từ ngày 24/12.

Trước đó, các hoạt động bay từ hai quốc gia xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 này đã bị tạm dừng vào nửa đêm 20/12.

Các chuyến bay cũng có thể được sử dụng để đưa những người Thụy Sĩ mắc kẹt ở Anh và Nam Phi trở về nhà.

Các biện pháp bảo vệ đặc biệt sẽ được áp dụng cho những người vẫn còn trong vòng cách ly để giảm nguy cơ lây lan biến thể của virus.

Chính phủ cũng cho biết sẽ làm việc với chính quyền các bang để điều phối một dịch vụ vận chuyển đặc biệt.

Do lo ngại những người quay trở lại Thụy Sĩ có thể mang theo biến thể mới của SARS-CoV-2, các hãng hàng không bay từ Anh và Nam Phi đã phải xin miễn trừ tạm thời lệnh cấm bay.

Tại châu Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ cho biết tính đến sáng 23/12 (theo giờ Mỹ), có ít nhất 1.008.025 người Mỹ đã được tiêm mũi đầu tiên của vắcxin ngừa COVID-19.

Thế giới đã vượt mốc 79 triệu trường hợp mắc COVID-19 ảnh 3Một nhân viên y tế được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Southfield, bang Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, gần 9,5 triệu liều đã được phân phối. Hai loại vắcxin hiện đang được lưu hành tại Mỹ là loại vắcxin do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất và vắcxin của Moderna (Mỹ).

Cả hai loại vắcxin này đều cần tiêm đủ hai mũi, mỗi mũi cách nhau khoảng 3 tuần. Truyền thông Mỹ nhận định việc thúc đẩy vắcxin tại Mỹ đánh dấu sự bắt đầu chấm dứt đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia y tế ước tính khoảng 70% dân số Mỹ sẽ cần phải tiêm phòng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Các đợt tiêm chủng ban đầu được thực hiện khi nước Mỹ đang bước vào giai đoạn được dự đoán là nguy hiểm nhất của đại dịch, kể từ khi bùng phát dịch hồi đầu năm nay.

Các chuyên gia cảnh báo số ca mắc bệnh sẽ tăng đột biến sau lễ Giáng sinh, trong bối cảnh nước Mỹ hiện ghi nhận khoảng 3.000 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày.

Tổng thống Chile Sebastián Piñera thông báo nước này sẽ triển khai chương trình tiêm chủng ngừa bệnh COVID-19 ngay sau khi tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên của Pfizer/BioNtTech.

Theo ông, lô hàng đầu tiên gồm 10.000 liều vắcxin sẽ được đưa tới Chile vào sáng 24/12 và ngay sau đó chương trình tiêm chủng sẽ được khởi động với các nhân viên y tế làm việc tại các vùng La Araucanía, Biobío và Magallanes - những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch COVID-19, cũng như một số bệnh viện tại thủ đô Santiago.

Các lô vắcxin tiếp theo sẽ được chuyển dần tới Chile từ tuần tới cho tới khi hoàn tất số lượng 10 triệu liều mà nước này đã đặt hàng hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech.

Dự kiến, trong quí 1/2021, Chile sẽ tiến hành tiêm chủng cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi, những người có bệnh nền mãn tính, ước tính khoảng 5 triệu người. Các nhóm còn lại sẽ lần lượt được tiêm vắcxin trong thời gian sau đó.

Trong khi đó, tại Mexico, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador thông báo chương trình tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân sẽ bắt đầu từ ngày 24/12, với đối tượng ưu tiên số 1 là các y, bác sỹ tuyến đầu chống dịch.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống López Obrador cho biết Mexico đã tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên gồm 1,4 triệu liều Pfizer/BioNTech trong tổng số 35 triệu liều theo hợp đồng.

Chính phủ Mexico đã ký các thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer, AstraZeneca và CanSino Biologics để mua 146,8 triệu liều vắcxin.

Ngoài ra, Mexico sẽ mua 51,57 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 theo Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắcxin COVID-19 (COVAX), được thúc đẩy bởi Tổ chức Y tế Thế giới. Hiện Mexico ghi nhận trên 1,33 triệu ca bệnh và đứng thứ tư trên thế giới về số ca tử vong, với gần 120.000 ca.

Tại châu Á, Nhật Bản đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại dược phẩm có chứa kháng thể của những người đã hồi phục sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 để chữa trị cho những người không may nhiễm phải virus nguy hiểm này.

Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế Toàn cầu (NCGM), loại thuốc trên có tên gọi hyperimmune intravenous immunoglobulin (tạm dịch là “dịch truyền globulin siêu miễn dịch”) sẽ được tiêm cho 10 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện. Họ sẽ được theo dõi sức khỏe trong khoảng 1 tháng.

Trên cơ sở dữ liệu thu được trong quá trình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá hiệu quả của loại thuốc này.

Ngoài chương trình trên, theo đài truyền hình NHK, NCGM cũng đang tiến hành nghiên cứu lâm sàng phương pháp sử dụng huyết tương từ người đã hồi phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2 để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Các huyết tương có chứa kháng thể sẽ được tiêm cho các bệnh nhân. NCGM hy vọng phương pháp chữa trị trên sẽ phát huy hiệu quả và an toàn trong bối cảnh có rất ít phương pháp chữa trị COVID-19 tại thời điểm hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục