Thị trường dừa nguyên liệu dần khôi phục sau nhiều tháng giảm mạnh

Hiện dừa khô được thương lái thu mua với giá từ 70.000 đến hơn 80.000 đồng/chục (12 trái), tăng khoảng 20.000 đồng/chục so với cách đây 4 tháng và khoảng 50.000 đồng/chục so với thời điểm đầu năm.
Thị trường dừa nguyên liệu dần khôi phục sau nhiều tháng giảm mạnh ảnh 1Nông dân Bến Tre thu hoạch dừa khô nguyên liệu. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Hiện giá dừa khô nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã dần khôi phục trở lại sau nhiều tháng giảm mạnh.

Người trồng dừa vui mừng khi thị trường dừa có dấu hiệu khởi sắc sau giai đoạn lên xuống thất thường.

Hiện dừa khô được thương lái thu mua với giá từ 70.000 đến hơn 80.000 đồng/chục (12 trái), tăng khoảng 20.000 đồng/chục so với cách đây 4 tháng và khoảng 50.000 đồng/chục so với thời điểm đầu năm.

[Trà Vinh: Các nhà vườn phấn khởi vì giá dừa khô lên mức 55.000 đồng]

Bà Nguyễn Thị Nhung, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) canh tác gần 1ha dừa, cho hay cách đây 2 ngày, gia đình thu hoạch được hơn 1.000 trái dừa khô nguyên liệu bán cho thương lái với giá 80.000 đồng/chục.

Bà Nhung cho biết thêm nếu như đầu năm 2023, người trồng dừa như "ngồi trên đống lửa" khi giá dừa khô nguyên liệu xuống thấp kỷ lục, chỉ ở mức khoảng 15.000-20.000 đồng/chục thì nay giá dừa tăng lên 70.000-80.000 đồng/chục. Qua đó, khiến bà con trồng dừa rất phấn khởi bởi cây dừa là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở Bến Tre.

Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, giá dừa tăng trở lại là do giá dừa thế giới tăng.

Cùng với đó sản lượng thu hoạch tại các vườn trên địa bàn tỉnh cũng chưa nhiều ở thời điểm hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết thời gian tới, khi khơi thông được thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ và Trung Quốc thì giá dừa sẽ ổn định hơn rất nhiều.

Thị trường dừa nguyên liệu dần khôi phục sau nhiều tháng giảm mạnh ảnh 2Nông dân Bến Tre thu hoạch dừa khô nguyên liệu. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Tuy nhiên, để giá dừa bền vững, doanh nghiệp ngành dừa cần tăng cường chế biến, xuất khẩu để tạo ra những mặt hàng có giá trị cao, đồng thời xây dựng mã vùng trồng cho dừa, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và sản xuất hữu cơ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng kết nối chặt chẽ các doanh nghiệp với nông dân, nông dân với nông dân, tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; trong đó, ưu tiên phát triển và mở rộng vùng dừa hữu cơ.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre tăng cường tư vấn và hỗ trợ người trồng dừa các giải pháp kỹ thuật, thông tin thị trường, tăng năng lực thực thi các cam kết phát triển vùng sản xuất hàng hóa gắn chuỗi giá trị thông qua việc thực hiện các hợp đồng kinh tế minh bạch, có tính ràng buộc cao...

Bến Tre được xem là "thủ phủ" dừa của cả nước với diện tích hơn 78.315ha, tăng 1,38% (khoảng 1.065ha) so cùng kỳ, diện tích tăng thêm chủ yếu là do một số diện tích cây trồng khác không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với vùng canh tác được người dân chuyển sang trồng dừa.

Dừa ở Bến Tre chủ yếu là dừa khô nguyên liệu, với tổng sản lượng ước khoảng 688 triệu trái/năm.

Thời gian qua, để giúp ngành dừa phát triển ổn định và bền vững, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp; trong đó có giải pháp tổ chức lại sản xuất và liên kết tiêu thụ dừa.

Đến nay, tỉnh đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất tập trung gắn chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, trong đó có chuỗi liên kết sản xuất dừa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... nhằm tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa để phát triển sản xuất, góp phần gia tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.

Đến nay, chuỗi giá trị sản phẩm dừa của tỉnh Bến Tre có 28 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác với quy mô hơn 5.648ha và 6.226 thành viên; dừa công nghiệp có 28 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác với quy mô hơn 5.467ha và 5.916 thành viên; dừa uống nước có 12 tổ hợp tác với quy mô 181,4ha và 310 thành viên.

Hiện tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh lên hơn 16.000ha, chiếm 20,7% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh; trong đó, diện tích đạt chứng nhận là hơn 9.500ha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục