Thị trường lao động: Dần phục hồi cùng nền kinh tế thích ứng linh hoạt

Nền kinh tế thích ứng linh hoạt sẽ phục hồi trong năm 2022 dự báo sẽ thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam khởi sắc, tiến tới đạt được các mục tiêu về lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp sẽ gia tăng nhu cầu tuyển dụng trong năm 2022 để phục hồi sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Các doanh nghiệp sẽ gia tăng nhu cầu tuyển dụng trong năm 2022 để phục hồi sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Giải pháp thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu khởi sắc, kéo theo đó là sự sôi động trở lại của thị trường lao động.

Nhiều tín hiệu tích cực

Mặc dù bị khủng hoảng nghiêm trọng trong năm 2021 nhưng theo nhận định của các chuyên gia, với các giải pháp thích ứng linh hoạt của Chính phủ thì thị trường lao động trong năm 2022 sẽ nhanh chóng phục hồi.

Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định dịch bệnh COVID-19 khiến người lao động buộc phải ngừng việc, thế nhưng hiện nay Chính phủ đã linh hoạt mở cửa nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp… do đó nhu cầu tăng lên, người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm trở lại.

Cũng chung nhận định về những tín hiệu lạc quan của thị trường lao động trong thời gian tới, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt đang giúp cho thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc, hoạt động dần nhộn nhịp trở lại.

Theo ông Vũ Quang Thành, nhu cầu tuyển dụng đang tiếp tục tăng lên, đặc biệt ở thời điểm đầu năm 2022. Các vị trí công nhân sản xuất tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng rất lớn trong thời gian này, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, điện, điện tử, giao nhận hàng, thương mại dịch vụ, bán buôn bán lẻ...

Ngoài ra, nhiều vị trí việc làm trong lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ tăng tuyển dụng khác là tại các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, siêu thị… Riêng một số nhóm ngành về công nghệ thông tin hay ngân hàng vẫn tiếp tục có xu hướng tuyển dụng liên tục, thậm chí tăng lên.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, các doanh nghiệp, nhà máy ở thành phố sẽ cần được bổ sung tối đa 310.000 lao động. Nhu cầu nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh tập trung ở khu vực thương mại-dịch vụ, chiếm tới hơn 65% tổng nhu cầu nhân lực năm 2022.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), nếu COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp cần tuyển 280.000-310.000 lao động; trong đó nhu cầu nhân lực của quý 1 gần 87.000 người, con số này ở quý 2 trên 72.000; quý 3 gần 74.000 và quý 4 khoảng 77.000. Còn đối với trường hợp dịch vẫn phức tạp, nhu cầu nhân lực của thành phố cũng rơi vào khoảng 255.000-280.000 người; trong đó cao nhất là 3 tháng đầu năm, với trên 78.000 lao động.

[Thị trường lao động thích ứng với dịch: Nỗ lực vượt qua khó khăn]

Dự báo của Navigos cũng đưa ra những tín hiệu tích cực về tuyển dụng trong năm 2022 khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử vẫn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Đà Nẵng tiếp tục trở thành các địa phương nhận được các đầu tư rất lớn từ các dự án FDI này.

Thị trường lao động: Dần phục hồi cùng nền kinh tế thích ứng linh hoạt ảnh 1Người lao động tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Đánh giá về xu hướng phục hồi trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng việc làm cho nhóm lao động giản đơn sẽ có tốc độ phục hồi nhanh chóng. Đây là nhóm lao động bị mất thu nhập, khó khăn nhất trong đại dịch, vì thế khi việc sản xuất kinh doanh bình thường trở lại, nguồn nhân lực này rất dồi dào và có nhu cầu làm việc để khôi phục lại công việc và thu nhập trước đây.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam khởi sắc, tiến tới đạt được các mục tiêu về lao động, việc làm và an sinh xã hội. Tuy nhiên, dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, khó kiểm soát ở một số địa bàn làm cho khả năng phục hồi và phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở một số khu vực.

Theo ông Vũ Trọng Bình, dự báo trong năm 2022, với kịch bản khả quan nhất (dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đến hết quý 1/2022 hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ dân số được tiêm phòng COVID-19) thì đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động.

“Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong khi tại các tỉnh, thành phố dư cung lao động lại thiếu việc làm,” ông Bình cho hay.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tới. Nhiệm vụ mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt ra trong năm 2022 là duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng; tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động được vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đặt mục tiêu cụ thể về lao động-việc làm năm 2022 là tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%.

Để thực hiện mục tiêu đó, các chính sách hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh sẽ được triển khai, đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, các địa phương sẽ đẩy mạnh thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ hoạt động kết nối cung-cầu lao động; tạo môi trường và điều kiện để người lao động cũng như người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi thông tin về lao động, việc làm trong năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục