Thị trường lao động Đồng Nai: Cầu vẫn vượt cung

Kết thúc phiên giao dịch của Sàn giao dịch việc làm Đồng Nai ngày 10/2 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp có xu hướng vượt xa khả năng cung ứng.

Kết thúc phiên giao dịch của Sàn giao dịch việc làm Đồng Nai ngày 10/2 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp có xu hướng vượt xa khả năng cung ứng.

Ban quản lý các Khu Công nghiệp Đồng Nai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2009, 171 doanh nghiệp trên địa bàn, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển dụng trên 20.000 lao động. So với số lao động bị cắt giảm tại 64 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất là 8.600 người, thì nhu cầu tuyển dụng vẫn chênh lệch ở mức cao.

Ông Đào Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Chính sách lao động thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết, Sở đã chủ động đặt yêu cầu tuyển dụng lao động với cơ quan chức năng tại các tỉnh ở miền Bắc, miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng, tỉnh nào cũng không nhận đơn đặt hàng của Đồng Nai vì không tìm đâu ra người.

Ông Hoàng cho biết thêm, qua thông tin trên báo chí cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương có hàng chục ngàn lao động bị mất việc. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề với 2 địa phương này đề nghị tuyển dụng số công nhân mất việc nói trên, thì nhận được câu trả lời là các địa phương này cũng đang thiếu hụt lao động trầm trọng.

Ông Lê Nhật Trường, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Pousung ở huyện Trảng Bom khẳng định, nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 2 của công ty là 1000 người, trong đó số lao động phổ thông chiếm 90%. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, công ty mới tuyển dụng được 700 người. Đến cuối tháng 3, công ty cần thêm 1000 công nhân nữa nhưng số lao động trên hiện vẫn thiếu.

Công ty May Pierich ở Khu Công nghiệp Hố Nai cần 500 lao động có tay nghề nhưng đến nay công ty mới tuyển được 300 người. Tương tự, Công ty Unipax ở Khu Công nghiệp Amata có nhu cầu 500 người, nhưng cũng chỉ mới tuyển dụng được 200 lao động...

Để giải quyết tình trạng thiếu lao động, ngoài các biện pháp tăng cường tuyển dụng lao động từ các tỉnh xa, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng lương, tăng thu nhập và các chế độ phúc lợi nhằm thu hút và giữ chân người lao động.

Nếu như ở thời điểm này năm ngoái, mức thu nhập của lao động thuộc ngành may mặc bình quân khoảng 1,5 triệu đồng tháng, thì năm nay một số doanh nghiệp đã nâng lên đến 1,9 triệu đồng./.

(Tin Tức/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục