Thị trường M&A Việt Nam nhiều tiềm năng "kích hoạt" cơ hội mới

Các chuyên gia nhận định Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng, vẫn luôn được đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng để “kích hoạt những cơ hội mới."
Thị trường M&A Việt Nam nhiều tiềm năng "kích hoạt" cơ hội mới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CFE)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, sự chững lại của hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian gần đây hy vọng chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục.

Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng, vẫn luôn được đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng để “kích hoạt những cơ hội mới."

"Các nhà đầu tư vẫn đặt nhiều niềm tin vào các giải pháp phòng chống dịch, điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh của Chính phủ Việt Nam. Đây sẽ là những động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 và cũng là động lực để thị trường M&A Việt Nam tiếp tục phát triển," ông Trần Quốc Phương cho hay.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năm 2023, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia…

Những diễn biến khó lường trên toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam; thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, thậm chí thách thức, khó khăn còn nhiều hơn.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế-xã hội sẽ chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng lực và khả năng kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới; khả năng điều hành, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực cũng đã được nâng cao.

Đây sẽ là thuận lợi cơ bản để kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong năm 2023, năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, để từ đó bước vào giai đoạn tăng tốc 2024-2025.

Theo Báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu GlobalData, quý 3/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, năm 2021, thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỷ USD, so với 9.605 thương vụ trị giá 1.050 tỷ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ của năm 2021.

Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới.

Trong bối cảnh chung đó, thị trường M&A ở Việt Nam cũng rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với sự sôi động của năm 2020-2021.

[Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp của châu Á sụt giảm]

Theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).

Tuy nhiên, tương tự năm 2021, các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm tiêu dùng 1,2 tỷ USD, bất động sản gần 1 tỷ USD, công nghiệp 800 triệu USD.

Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên “hot” nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, nhưng không có nghĩa là tất cả các nền kinh tế khác cũng vậy.

Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái, nhưng vẫn có điểm sáng thuộc các nước vùng Vịnh, khi khu vực này đang tận hưởng thu nhập cao từ giá dầu, họ đang có rất nhiều tiền và sẵn sàng đầu tư.

Như vậy, thị trường M&A trầm lắng không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái “ngủ Đông” trong thời gian tới. Có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động.

Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.

Về lĩnh vực, M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động. Trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng, tiện ích sẽ sớm sôi động trở lại với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam với vai trò bên mua.

Đặc biệt, sẽ có những cơ hội M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khi có nhiều thương vụ đang trong giai đoạn chuẩn bị nhiều năm nay, sắp đi đến giai đoạn chốt vào năm 2023.

Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỷ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á.

Thị trường IPO ở khu vực Đông Nam Á cũng đang được kỳ vọng với tương lai sáng sủa hơn vào năm 2023.

Mặc dù định giá hiện tại có thể thấp hơn đối với các công ty công nghệ, nhưng những công ty có nền tảng kinh doanh vững chắc và khả năng chứng minh lợi nhuận sẽ vẫn có thể đạt được định giá thị trường tốt nhất và hưởng lợi từ thị trường vốn toàn cầu.

Những dấu hiệu trên cho thấy thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục