Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp của châu Á sụt giảm

Lãi suất tăng cao, lạm phát toàn cầu, chuỗi cung ứng gián đoạn, bất ổn địa chính trị, giá dầu tăng và một số lĩnh vực thiếu nguồn nhân lực... là những nguyên nhân khiến hoạt động M&A châu Á sụt giảm.
Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp của châu Á sụt giảm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: legalbusinessonline.com)

Trong nửa đầu năm nay, khu vực châu Á ghi nhận 534 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp với tổng giá trị giao dịch đạt 84 tỷ USD, lần lượt giảm 29,6% (758 thương vụ) và 13,4% (97 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Theo phân tích của Ernst & Young (EY) đối với hoạt động M&A toàn cầu, các yếu tố như lãi suất tăng cao, lạm phát toàn cầu, chuỗi cung ứng gián đoạn, bất ổn địa chính trị, giá dầu tăng và một số lĩnh vực thiếu nguồn nhân lực cũng như kỹ năng là những nguyên nhân chủ yếu khiến hoạt động M&A của khu vực châu Á suy giảm.

Số lượng các thương vụ M&A toàn cầu trong nửa đầu năm nay giảm 18% so với cùng kỳ, trong khi giá trị giao dịch giảm 27%, tuy nhiên so với bình quân chu kỳ trước (2015-2019) lại lần lượt tăng 13% và 35%.

Trong nửa đầu năm nay, toàn cầu tổng cộng ghi nhận 2.274 thương vụ M&A với tổng giá trị giao dịch khoảng 2.000 tỷ USD.

Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường M&A sôi động truyền thống, tuy nhiên từ đầu năm đến nay không khí M&A của Ấn Độ hết sức sôi động, so với chu kỳ trước, tổng giá trị hoạt động M&A các hình thức tăng mạnh 215% lên 128 tỷ USD.

Trong nửa đầu năm nay, hoạt động M&A ở trong nước của Ấn Độ đạt 107 tỷ USD, đồng thời doanh nghiệp Ấn Độ mua lại các doanh nghiệp nước ngoài cũng tăng đáng kể, đạt 6,2 tỷ USD.

Theo phân tích của EY, do căng thẳng địa chính trị nên M&A xuyên biên giới có sự thay đổi đáng kể. Mặc dù hoạt động M&A xuyên biên giới sụt giảm trong nửa đầu năm, nhưng M&A giữa các nước có quan hệ thân thiện lại tăng đáng kể.

Tỷ trọng của loại hình M&A kiểu này đạt 51% trong nửa đầu năm, trong khi của chu kỳ trước chỉ là 42%.

Phân tích nhấn mạnh, đầu tư của Trung Quốc đối với Mỹ sau khi đạt đỉnh 27 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016 đã giảm xuống còn 1,09 tỷ USD. Cùng kỳ, đầu tư của Bắc Mỹ đối với châu Âu lại tăng từ 60 tỷ USD lên 149 tỷ USD.

[Thị trường M&A Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư bất chấp COVID-19]

Phó Chủ tịch toàn cầu về chiến lược và giao dịch của EY Andrea Guerzoni cho biết, hoạt động M&A đang trải qua quá trình điều chỉnh, so với sự ngưng trệ trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, giới lãnh đạo doanh nghiệp đang vén sương mù, tìm kiếm các cơ hội M&A có lợi cho việc định vị và phát triển đối với tương lai của doanh nghiệp.

Nhu cầu M&A xuyên biên giới của toàn cầu vẫn rất mạnh, chỉ có điều giới lãnh đạo doanh nghiệp thận trọng hơn về đối tượng M&A, tương đối có khuynh hướng tìm kiếm cơ hội từ “đối tác thân thiện” hơn là áp dụng chiến lược toàn cầu.

Xét từ các lĩnh vực khác nhau, công nghệ đã dẫn dắt hoạt động M&A toàn cầu trong nửa đầu năm nay. Mặc dù giảm 20% so với đỉnh cao 789 tỷ USD của năm 2021, nhưng vẫn chiếm 1/3 các thương vụ M&A toàn cầu.

Ngược lại, lĩnh vực khoa học sự sống lại không có kết quả tích cực. Tính đến thời điểm hiện nay, các thương vụ M&A thuộc lĩnh vực này ghi nhận giảm 58% so với cùng kỳ năm trước, đạt 111 tỷ USD.

Lĩnh vực tiêu dùng vốn luôn giao dịch sôi động cũng giảm 27% xuống còn 91 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Ông Andrea Guerzoni dự đoán, trong những tháng tiếp theo, lượng giao dịch trên lĩnh vực khoa học sự sống và tiêu dùng sẽ tăng lên đáng kể.

Các nhân tố như doanh nghiệp khoa học sự sống có đủ vốn, giá trị định giá của các doanh nghiệp khoa học sự sống đã giảm xuống sau khi đạt đỉnh vào năm 2021 sẽ thúc đẩy hoạt động giao dịch trên lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tỷ trọng dòng vốn tư nhân cũng sẽ gia tăng trong hoạt động giao dịch cổ phiếu và trái phiếu khiến cho thị trường tư nhân đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục