Thị trường tài chính bất ổn kìm hãm sự phục hồi

Theo IMF, việc thị trường tài chính gia tăng bất ổn là "rủi ro tiêu cực lớn" và đe dọa kìm hãm tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu.
Trong một báo cáo công bố ngày 16/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tình trạng gia tăng bất ổn trên thị trường tài chính thời gian gần đây là một "rủi ro tiêu cực lớn" đối với kinh tế toàn cầu và có thể kìm hãm tốc độ hồi phục.

Báo cáo trên của IMF trình lên các bộ trưởng tài chính nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) họp đầu tháng này tại Busan của Hàn Quốc, nêu rõ bất ổn trên thị trường tài chính đã tăng lên đáng kể trong những tuần vừa qua, chi phí cho vay tăng và những tài sản rủi ro đã bị bán tháo ở tất cả các khu vực.

Những diễn biến này phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của nhà đầu tư về tình hình tài chính công ở châu Âu, bất ổn chính sách ngày càng tăng và những kì vọng đã được điều chỉnh trên thị trường đối với tốc độ phục hồi kinh tế và triển vọng tăng trưởng.

IMF nhấn mạnh nếu điều này không được giải quyết bằng một hành động hay chính sách tin cậy, căng thẳng trên thị trường tài chính có thể gây ra những tác động thực tế đối với tăng trưởng.

Bản báo cáo cũng cho biết tốc độ phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới là không đồng đều. Trong khi Mỹ, Nhật Bản và các "đại gia" thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu ghi nhận tốc độ phục hồi khiêm tốn, các nền kinh tế lớn mới nổi ở châu Á và Mỹ Latinh khiến thế giới ngỡ ngàng với tốc độ phục hồi ngoạn mục.

Báo cáo trên sẽ được đem ra thảo luận tại hội nghị trù bị G-20 nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Canada vào cuối tháng này.

Theo kế hoạch, IMF sẽ công bố báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" mới vào ngày 8/7 tới.

Trong khi đó, chỉ số kinh tế tổng hợp (CLI) của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) cho biết các nền kinh tế phát triển nhất và các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất tuy vẫn tiếp tục phục hồi tăng trưởng nhưng tốc độ phục hồi đã chậm lại.

CLI của khu vực OECD tăng 0,4% trong tháng Tư vừa qua, thấp hơn mức 0,5% của tháng trước đó. Tính đến nay, các chỉ số CLI của toàn khối OECD đã giảm chín tháng liên tiếp.

Tuy nhiên, CLI của bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới gồm Pháp, Canada, Anh, Nhật Bản, Đức, Italy và Mỹ trong tháng này đạt 104,2, tăng nhẹ so với mức 103,7 của tháng Ba.

Trong số các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất, CLI của Trung Quốc giảm tháng thứ tư liên tiếp xuống mức 101,6 trong khi Nga lại tăng từ 102,1 lên 102,7. Các chỉ số này của Brazil và Ấn Độ tăng trong tháng Tư và đạt lần lượt là 100,6 và 101,4.

OECD sử dụng tỷ lệ tăng so sánh hàng năm của CLI như là chỉ dẫn tin cậy cho thấy nền kinh tế có thể sắp tới một bước ngoặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục