Thị trường thực phẩm Halal - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Chuyện gia Malaysia nhận định Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực Halal trong 15-20 năm của Malaysia để xây dựng chiến lược Thương hiệu thực phẩm Halal Việt Nam.
Thị trường thực phẩm Halal - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ảnh 1Dây chuyền đóng lọ ớt xuất khẩu tại nhà máy chế biến của Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Giám đốc cấp cao Tập đoàn tư vấn kinh tế toàn cầu IQI chi nhánh tại Malaysia Shan Saeed nhận định, Việt Nam và Malaysia vẫn còn nhiều tiềm năng về hợp tác kinh tế-thương mại, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật số và thực phẩm hồi giáo Halal, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, chuyên gia Shan Saeed chia sẻ, trong hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt tới 2,2 tỷ USD.

Cả Việt Nam và Malaysia đều có nền kinh tế dựa trên các nguồn tài nguyên và sản xuất mạnh mẽ, do vậy hoàn toàn có thể thúc đẩy và tăng cường hợp tác hơn nữa để mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện đang cần khoảng 1.200 tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng nhằm duy trì đà phát triển.

Trong khi đó, Việt Nam và Malaysia có mối quan hệ gắn bó trực tiếp được phản phản ánh thông qua tăng trưởng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Do vậy, đây là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên trong tương lai.

Giám đốc Shan Saeed nhận định, về lâu dài, việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ đưa tới khối thương mại có lợi ích lớn cho cả Việt Nam khi thị trường RCEP chiếm tới 30% dân số và 30% GDP toàn cầu.

Theo báo cáo của Tổ chức Brookings tại Mỹ, RCEP sẽ kết nối khoảng 30% dân số thế giới cũng như sản lượng toàn cầu. Do đó, RCEP sẽ tạo ra lợi nhuận đáng kể với khoảng 200 tỷ USD hàng năm cho thu nhập toàn cầu và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030.

Khu vực này chắc chắn sẽ lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư toàn cầu nhờ lòng tin về tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định kinh tế vĩ mô.

[Việt Nam-Malaysia phấn đấu nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều]

Đề cập đến câu hỏi của phóng viên về hợp tác Halal giữa hai nước và lời khuyên đối với công ty Việt Nam trước khi thâm nhập thị trường Malaysia, Giám đốc Shan Saeed cho rằng, thị trường Halal toàn cầu đã ghi nhận tổng giá trị khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,48% trong giai đoạn 2021-2027 và chạm mức 10.000 tỷ USD vào năm 2025.

Tại Malaysia, thực phẩm Halal sẽ đóng góp 14 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 8% GDP của nước này. Malaysia đã tái khẳng định vị thế của mình là trung tâm Halal hàng đầu trên thế giới vào năm 2020 với giá trị xuất khẩu hàng năm các sản phẩm Halal đạt 7,5 tỷ USD.

Ông Shan cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực Halal trong 15-20 năm của Malaysia, cũng như giành được chứng chỉ thương mại, quy trình và phương pháp để duy trì chất lượng và vệ sinh thực phẩm Halal.

Việc đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu là rất quan trọng để thỏa mãn yêu cầu của khách hàng.

Thương hiệu Malaysia có thể có ích cho Việt Nam trong các lĩnh vực gồm chứng chỉ Halal của Malaysia, đào tạo nhân lực trong quy trình xử lý và nâng cao chất lượng thực phẩm Halal, xây dựng chiến lược Thương hiệu thực phẩm Halal Việt Nam, tận dụng lợi thế từ thị trường Trung Quốc ngày càng gia tăng đối với thực phẩm Halal mà dự kiến sẽ chạm mức 50-75 tỷ USD vào năm 2025, nắm bắt các thị trường đang phát triển có nhu cầu cao về thực phẩm Halal./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục