Thổ Nhĩ Kỳ ban hành luật thúc đẩy đàm phán hòa bình với PKK

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul ngày 15/7 đã ký ban hành luật thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị đặt ngoài vòng pháp luật.
Thổ Nhĩ Kỳ ban hành luật thúc đẩy đàm phán hòa bình với PKK ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul (trái) đã có cuộc gặp với Lãnh đạo Khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq Massoud Barzani (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul ngày 15/7 đã ký ban hành luật thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị đặt ngoài vòng pháp luật.
Đây được xem là bước quan trọng nhằm chấm dứt các cuộc xung đột kể từ khi PKK phát động chiến dịch đòi thành lập nhà nước riêng ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong ba thập kỷ qua, đồng thời có thể tranh thủ lượng phiếu bầu của cộng đồng thiểu số người Kurd cho Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, ứng cử viên của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Tám tới.
Theo luật vừa thông qua, những biện pháp cải cách do chính phủ của Thủ tướng Erdogan đề xuất sẽ trao quyền miễn truy tố cho những nhân vật chủ chốt tham gia cuộc đàm phán hòa bình với PKK.
Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các phiến quân người Kurd từ bỏ vũ khí để trở về nhà, luật trên cũng trao cho chính phủ quyền chỉ định những cá nhân và tổ chức tiến hành cuộc đàm phán liên quan đến cái gọi là vấn đề người Kurd.
Thủ lĩnh người Kurd đang bị giam giữ Abdullah Ocalan đã hoan nghênh đạo luật mới này như một "bước tiến lịch sử" và kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng đạo luật mới "ngay lập tức."
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2002, Chính phủ của Thủ tướng Erdogan đã thúc đẩy quyền sử dụng ngôn ngữ và văn hóa đối với cộng đồng người Kurd, vốn vẫn tranh cãi về sự phân biệt đối xử với những người thiểu số.
Ông Erdogan cũng đã khởi động cuộc đàm phán hòa bình với PKK từ năm 2012, dẫn đến việc PKK tuyên bố lệnh ngừng bắn hồi tháng 3/2013.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình bị ngừng trệ từ tháng Chín năm ngoái khi các phiến quân PKK tuyên bố không rút khỏi khu vực Đông Nam, cáo buộc chính phủ không đưa ra cam kết cải cách, trong đó có cải cách hiến pháp.
Luật trên được đưa ra đúng thời điểm ông Erdogan bước vào cuộc đua tranh chức tổng thống trong lần đầu tiên cử tri, chứ không phải Quốc hội, bầu chọn trực tiếp người đứng đầu nhà nước ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự ủng hộ của cộng đồng người Kurd thiểu số, chiếm tới 1/5 dân số Thổ Nhĩ Kỳ, được xem là sẽ đảm bảo mang đến thắng lợi tuyệt đối cho ông Erdogan trong cuộc bầu cử tổng thống tới./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục