Ngày 5/2, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar lên tiếng yêu cầu phương Tây không giải quyết vụ tranh cãi hạt nhân bằng cách tấn công Iran mà cần nỗ lực hơn nữa để thương lượng nhằm chấm dứt tranh cãi này.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khẳng định một cuộc tấn công sẽ là "thảm họa." Nhưng ông nói nếu có ý chí chính trị mạnh mẽ và niềm tin với nhau thì tranh chấp về chương trình hạt nhân của Iran "có thể được giải quyết trong vài ngày tới."
"Tranh chấp kỹ thuật không lớn. Vấn đề là niềm tin và ý chí chính trị mạnh mẽ," ông tuyên bố.
Thổ Nhĩ Kỳ là địa điểm đàm phán cách đây 1 năm giữa các cường quốc phương Tây và Iran nhưng bị bế tắc vì các nước tham gia không thể nhất trí được dù là chương trình nghị sự.
Kể từ đó, phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Iran vì ngờ nước này tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran thì nói chương trình hạt nhân của họ thuần túy phục vụ mục đích dân sự và hòa bình.
Ông Davutoglu nói thêm: "Một phương án quân sự sẽ tạo ra thảm họa trong khu vực của chúng ta. Vì thế trước khi xảy ra thảm họa đó, tất cả mọi người phải đàm phán nghiêm túc. Chúng tôi hy vọng hai bên sẽ sớm gặp lại nhưng lần này sẽ có kết quả dứt điểm."
Tại Tehran, Phó tư lệnh Lực lượng Cận vệ Cách mạng Iran tuyên bố với hãng tin bán chính thức Fars rằng Iran sẽ tấn công bất kỳ nước nào cho "các kẻ thù" của quốc gia Hồi giáo này sử dụng lãnh thổ để mở các cuộc tấn công nhằm vào Iran.
Washington và Israel không loại trừ giải pháp quân sự nếu các biện pháp ngoại giao thất bại. Iran đã cảnh báo sẽ trả đũa nếu bị tấn công, kể cả nhằm vào Israel và các căn cứ của Mỹ đóng tại vùng Vịnh vào tuyến đường biển qua Eo biển Hormuz.
Ngoại trưởng Qatar Khalid Mohamed al-Attiyah cũng tuyên bố một cuộc tấn công "không phải là giải pháp, và việc thắt chặt trừng phạt Iran chỉ càng làm cho tình hình xấu đi. Tôi tin rằng chúng ta nên đối thoại."
Căng thẳng giữa Iran và phương Tây tăng lên hồi tháng trước khi Washington và Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Iran nhằm buộc nước này phải cung cấp thêm thông tin về chương trình hạt nhân của họ. Các biện pháp này nhằm cắt đứt hoạt động kinh doanh dầu thô của quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 trong OPEC./.