Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tập trận riêng rẽ trên biển Địa Trung Hải

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều công bố kế hoạch tập trận hải quân riêng rẽ tại vùng biển phía Nam đảo Crete, trong lúc căng thẳng song phương gia tăng liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tập trận riêng rẽ trên biển Địa Trung Hải ảnh 1Tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu thám hiểm Oruc Reis. (Ảnh: DHA)

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên quan tới hoạt động khảo sát dầu khí ở các vùng biển tranh chấp vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi hai nước vừa công bố kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận riêng rẽ tại Đông Địa Trung Hải.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều công bố kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận hải quân riêng tại vùng biển phía Nam đảo Crete. Động thái của Hy Lạp được cho là nhằm đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn nhiệm vụ của tàu Oruc Reis. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các cuộc tập trận hải quân mang mục đích tăng cường sự phối hợp và khả năng tác chiến.

Cả hai nước dường như chưa sẵn sàng "tháo ngòi" căng thẳng. Phát biểu sau cuộc họp nội các ngày 24/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhượng bộ Hy Lạp, đồng thời tuyên bố Athens không có quyền triển khai hệ thống định vị hàng hải và dự báo thời tiết biển (còn được gọi là Navtex) tại các khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết hệ thống Navtex của nước này sẽ hết hiệu lực vào ngày 27/8 tới. Theo người phát ngôn này, Hy Lạp đang phản ứng một cách bình tĩnh và sẵn sàng mọi phương án để bảo vệ quyền chủ quyền của mình.

Lâu nay, hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt chính là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây khiến cuộc tranh giành nguồn tài nguyên không chỉ giữa hai nước này mà còn cả mở rộng ra các nước CH Cyprus, Ai Cập và Israel.

Quan hệ giữa hai nước tiếp tục xấu đi khi ngày 10/8 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ điều các tàu hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp ngoài khơi đảo Meis (Hy Lạp gọi là đảo Kastellorizo). Phía Hy Lạp cũng đã triển khai nhiều tàu chiến để giám sát động thái của các tàu trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục