Thoái vốn Habeco: Vướng mắc lớn nhất là hợp đồng đã ký với Carlsberg

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay trong công tác thoái vốn Nhà nước khỏi Habeco chính là hợp đồng đã ký kết với Carlsberg.
Thoái vốn Habeco: Vướng mắc lớn nhất là hợp đồng đã ký với Carlsberg ảnh 1Dây chuyền sản xuất của Habeco tại nhà máy bia Hà Nội-Mê Linh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

"Chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn của nhà nước là chủ trương nhất quán và thường xuyên từ Thủ tướng cho đến các lãnh đạo của Chính phủ, trực tiếp nhất là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo việc thoái vốn, và rất là tích cực. Hiện nay, cũng có một số lý do, nguyên nhân dẫn đến việc thoái vốn không được theo kế hoạch và không được như kỳ vọng."

Đây là những băn khoăn mà Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra tối 2/6 khi nói về việc thoái vốn nhà nước.

[Nhiều vướng mắc trong cổ phần hóa hay thoái vốn doanh nghiệp nhà nước]

Thông tin thêm, theo ông Hải, nguyên nhân dẫn đến thoái vốn chậm là do nhiều chính sách chưa đồng bộ dẫn đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc thoái vốn chậm còn do quan điểm của các cơ quan về một vấn đề vẫn chưa thống nhất.

"Có thể một số cơ quan, kể cả bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo, đặc biệt là của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ," ông Hải đưa ra ý kiến cá nhân khi nói về việc thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp.

Liên quan đến Công ty Rượu Bia Nước giải khát Hà Nội (Habeco), đại diện Bộ Công Thương cho biết, điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay trong công tác thoái vốn doanh nghiệp này là hợp đồng đã ký kết với Carlsberg.

Theo đó, khi thực hiện thoái vốn, phải ưu tiên cam kết giữa hai doanh nghiệp. Tức là, Carlsberg sẽ được ưu tiên trước trong việc mua cổ phần của Nhà nước tại Habeco.

Hiện nay, hãng bia Carlsberg đang là cổ đông chiến lược tại Habeco với tỷ lệ sở hữu khoảng 17,5% từ năm 2008 khi nhận chuyển giao từ cổ đông Nhà nước.

Ông Hải cho hay, để giải quyết vấn đề này, phía Bộ Công Thương phải lập ra một tổ công tác, trực tiếp do một lãnh đạo của Bộ phụ trách với sự tham dự của nhiều đơn vị của Bộ Công Thương.

"Chúng tôi cũng đã thực hiện và thường xuyên báo cáo cập nhật vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng trực tiếp phụ trách vấn đề thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước."

"Hy vọng trong thời gian sớm nhất đối với doanh nghiệp này cũng như các doanh nghiệp khác mà ngành công thương đang phải thực hiện, sẽ thực hiện theo chỉ đạo và lộ trình thoái vốn cũng như cổ phần hóa mà Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo đã giao," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục