Thời tiết khô hạn khiến hồ chứa ở Cao Bằng có nguy cơ bị cạn kiệt

Thời điểm này, mực nước ở nhiều hồ chứa tại các địa phương ở tỉnh Cao Bằng xuống rất thấp do thời tiết khô hạn kéo dài, lượng mưa ít khiến ảnh hưởng tới hàng nghìn ha hoa màu.
Thời tiết khô hạn khiến hồ chứa ở Cao Bằng có nguy cơ bị cạn kiệt ảnh 1Hồ Phia Gào (xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) thiếu nguồn nước trầm trọng do thời tiết khô hạn. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Do thời tiết khô hạn, lượng mưa ít đã khiến các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thiếu hụt nguồn nước và có nguy cơ cạn kiệt. Tình trạng này làm ảnh hưởng tới hàng nghìn ha hoa màu, trong đó hàng trăm ha cây lương thực bị mất trắng.

Ông Trương Văn Ý (xóm Minh Khai, xã Đức Long, huyện Hòa An) là một người dân sinh sống ngay cạnh Hồ Phia Gào cho biết, đã rất lâu ông không thấy mực nước ở hồ chứa này xuống thấp như hiện nay. Việc mực nước ở hồ xuống thấp cộng với lượng mưa rất ít đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân xóm Minh Khai.

Theo các cơ quan chức năng, Hồ Phia Gào có cao trình đập trên 519 mét, dung tích thiết kế gần 600 nghìn khối nước, có nhiệm vụ chủ động nguồn nước cho khoảng 100 hecta diện tích canh tác và cấp nước sinh hoạt cho khoảng hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực hồ.

Tuy nhiên hiện nay, dung tích nước chỉ đạt khoảng 14% so với dung tích thiết kế. Đây là mực nước thấp nhất kể từ khi hồ Phia Gào được xây dựng.

Hồ Thôm Luông (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình) có sức chứa 200 nghìn m3 nước, bơm nước phục vụ tươi tiêu cho 33 ha đất trồng lúa, ngô, hoa màu của xã. Hiện nay, mực nước trong hồ đã dưới mực nước chết, đạt 10% dung tích thiết kế.

Theo thống kê của UBND xã Minh Tâm, đến nay có 108/310 ha ngô, lúa bị thiệt hại do người dân không chủ động được nguồn nước. Dự báo nếu không có mưa trong vài ngày tới, hồ Thôm Luông sẽ cạn kiệt nước.

Tại Cao Bằng hầu hết các hồ chứa thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt 14/19 hồ chứa dung tích đạt rất thấp so với dung tích thiết kế. Tổng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn gần 638ha.

Cụ thể, mực nước xuống thấp so với dung tích thiết kế tại các hồ như: Thôm Cải (xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng) đạt 1%; Thôm Luông (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình) đạt 10%; Hồ Bản Viết (xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh) đạt 6%; Hồ Nà Tấu (thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An) đạt 5%...

Tình trạng thiếu hụt nguồn nước trên sông cũng đang diễn ra khiến các trạm bơm có nguy cơ thiếu nước. Trong số đó các trạm Kép Ké (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng), trạm Lạc Long (xã Nam Tuấn, huyện Hòa An), trạm bơm Kéo Hiến (xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh) đã gần như không có nước để bơm.

[Hồ thủy điện Sơn La cạn trơ đáy, nắng nóng gây thiệt hại cho người dân]

Nguy cơ thiếu nước tại các đập dâng như: đập Co Páo (xã Phong Nậm), đập dâng Mương Quán (xã Chí Viễn); đập dâng Nà Ít (xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh); hệ thống thủy lợi Xuân Trường (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc); đập dâng Phai Vằng (xã Đức Long, huyện Hòa An)...

Hiện tại, các cánh đồng lúa của tỉnh Cao Bằng đang bước vào chính vụ chiêm Xuân, để đảm bảo sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với đơn vị quản lý hồ chứa tính toán lại dung tích và lưu lượng nước đến, chủ động việc cấp nước tiết kiệm, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ chiêm Xuân.

Ông La Chí Thành, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy nông Cao Bằng cho biết, để đảm bảo nước phục vụ vụ chiêm Xuân năm 2023, công ty thực hiện vận hành, khai thác công trình, điều tiết, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm phát huy hiệu quả công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; nạo vét sạch sẽ toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, bảo dưỡng máy móc thiết bị đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đối với các công trình hồ chứa, lượng nước thấp hơn cửa cống công ty sẽ dùng máy bơm dầu chống hạn bơm nước từ dung tích mực nước chết trong hồ ra cống lấy nước để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; tiến hành đắp đập, ngăn sông dâng nước vào bể hút đối với các công trình trạm bơm có lượng nước vào bể hút không đảm bảo theo thiết kế.

Đơn vị cũng đưa ra cảnh báo đối với những diện tích không đảm bảo tưới được cho các địa phương để kịp thời có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục