Thông điệp về mối quan hệ giữa hai nước Triều Tiên-Iran

Nếu Triều Tiên phát triển công nghệ kết hợp giữa tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15 thì Triều Tiên đã trao cho Iran cả năng lực tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa đạn đạo liên lục địa tiên tiến.
Thông điệp về mối quan hệ giữa hai nước Triều Tiên-Iran ảnh 1Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên tại một địa điểm bí mật. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng tạp chí The National Interest có bài phân tích về mức độ mà Triều Tiên và Iran, hai quốc gia bị gán mác là "bất hảo," đang “bắt tay” nhau trong các chương trình phát triển tên lửa.

Thông qua phân tích này, bài viết phát đi một thông điệp ngầm về những vấn đề rắc rối nảy sinh từ mối quan hệ hợp tác tên lửa này.

Nội dung như sau:

Ngày 7/1, Iran phóng tên lửa đạn đạo vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq. Một loạt tên lửa được phóng đi thuộc loại tên lửa Qiam, vốn được thiết kế dựa trên hệ thống tên lửa Scud phiên bản C do Triều Tiên chế tạo và cũng có thể được nâng cấp nhờ sự hỗ trợ của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, đây chỉ là một minh chứng mới nhất về sự hỗ trợ và can dự sâu sắc của Triều Tiên đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, một hoạt động vốn diễn ra từ những năm 1980, bị một số nhà phân tích kém am hiểu đánh giá sai lầm rằng hoạt động này đã suy yếu sau những năm 1990 và một mối đe dọa có thực vẫn diễn ra với sự hiện diện của giới cố vấn và kỹ thuật Triều Tiên ở Iran hiện nay.

Tuy nhiên, mối đe dọa này có thể gây quan ngại lớn hơn so những gì mà phần lớn giới phân tích nhận ra.

[Chuyên gia Mỹ: Triều Tiên gần hoàn thiện một cơ sở tên lửa đạn đạo]

Triều Tiên đã phát triển hoặc hỗ trợ phát triển phần lớn hệ thống tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng của Iran.

Trên thực tế, phần lớn hệ thống tên lửa đạn đạo của Tehran có thể truy xuất nguồn gốc từ sự hỗ trợ phát triển của Triều Tiên về mặt công nghệ.

Một số hệ thống tên lửa chủ chốt như Scud, No Dong, Musudan, phương tiện phóng vệ tinh “Safir” và công nghệ Unha - hiện có trong công nghệ tên lửa đẩy Simorgh của Iran.

Tin tức cho hay các chuyên gia kỹ thuật của Iran đã có mặt tại các vụ phóng tên lửa Unha của Triều Tiên hồi năm 2009 và 2012.

Tóm lại, khi các chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nâng cấp năng lực thì những bước phát triển mới này sau đó thường được nhân rộng cho Iran.

Tuy nhiên, hiện quá trình nhân rộng này không dừng lại ở đó mà còn liên quan cả những bước tiến về tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo tầm trung ở Triều Tiên (và dĩ nhiên là một loại tên lửa mới).

Theo những tin tức báo chí hồi năm 2013, Triều Tiên đang phát triển và hỗ trợ Iran phát triển một thiết bị đẩy tên lửa nặng 80 tấn, có thể được sử dụng cho tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Năm 2015, những bước phát triển tiếp theo đó được tiết lộ trên báo giới, trong đó nói rằng một số chuyến hàng chở loại tên lửa đề cập ở trên từ Triều Tiên đến Iran đã xảy ra ngay cả khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc đang diễn ra.

Năm 2016, sau khi các vòng đàm phán về thỏa thuận hạt nhân này khép lại, thì Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các đòn trừng phạt đối với các công ty và thực thể của Iran vi phạm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Để hợp thức hóa mối liên quan trong chương trình hạt nhân của nhau, giới chức Iran và Triều Tiên đã có các chuyến viếng thăm lẫn nhau. Điều này giúp Iran có thể mua thiết bị đẩy tên lửa nặng 80 tấn mà Triều Tiên đang phát triển vào thời điểm đó.

Năm 2017, Triều Tiên tiến hành thử tên lửa mà họ gọi là tên lửa “Hwasong-12.” Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bắn 4.500km hoặc hơn thế.

Thế nhưng, thực ra, tên lửa Hwasong-12 lại sử dụng công nghệ tên lửa đẩy được cho là mua từ Ukraine, được biết với tên gọi RD-250 mà giới chức Ukraine nói rằng họ không hề hay biết việc mua sắm này.

Cuối năm 2017, Triều Tiên thử nghiệm 2 tên quả tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tên lửa thứ nhất là Hwasong-14 được đánh giá có khả năng nhắm trúng Anchorage, thành phố lớn nhất bang Alaska, trong khi quả tên lửa thứ hai Hwasong-15 được đánh giá có thể nhắm trúng bờ biển phía Đông của Mỹ.

Cả hai loại tên lửa này đều sử dụng tên lửa Hwasong-12 trong giai đoạn đầu tiên và được đẩy bởi động cơ đẩy tên lửa RD-250 với sức công phá 80 tấn.

Điều này có ý nghĩa gì? Dường như điều này cho thấy Triều Tiên đã bắt tay và sau đó phát triển một hệ thống tên lửa cho Iran mà sau đó được thử nghiệm vào năm 2017 - ban đầu chỉ là tên lửa đạn đạo tầm trung và sau đó (sử dụng vụ phóng đầu tiên là giai đoạn đầu của việc phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa) là hai hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa riêng biệt.

Nếu đúng như vậy, và dường như đúng như vậy, thì điều này có nghĩa là Triều Tiên đã phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm trung cho Iran (dựa trên động cơ RD-250).

Và nếu Triều Tiên cũng đã phát triển công nghệ kết hợp giữa công nghệ tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15 thì Triều Tiên đã trao cho Iran cả năng lực tên lửa đạn đạo tầm trung tiên tiến và năng lực tên lửa đạn đạo liên lục địa tiên tiến.

Điều này cũng có nghĩa là khi bàn về công nghệ tên lửa đạn đạo, Triều Tiên đã phát triển công nghệ tên lửa Scud, No Dong, Musudan, Unha và Hwasong-12/14/15 cho Iran - nâng cấp năng lực tên lửa của Tehran đồng thời với quá trình nâng cấp năng lực tên lửa của chính Bình Nhưỡng.

Chúng ta có thể sẽ chứng kiến các vụ thử của các hệ thống tên lửa nói trên và có thể là những hệ thống liên kết ở Iran trong vòng 2-5 năm tới.

Chắc chắn là nếu bạn nhìn thấy loại tên lửa nào đó ở Triều Tiên ngày hôm nay thì bạn cũng sẽ nhìn thấy nó ở Iran ngay ngày hôm sau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục