Thông tin từ OPEC và IEA tác động mạnh tới giá dầu châu Á

Vào lúc 16h10 giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 10,1% xuống 86,82 USD/ounce, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,1% xuống 82,75 USD/ounce; giá hai loại dầu đều đang khởi sắc kể từ tháng Sáu.
Thông tin từ OPEC và IEA tác động mạnh tới giá dầu châu Á ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Kirkuk (Iraq). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiều 11/8, giá dầu châu Á “neo” gần các mức cao gần đây trước dự báo nhu cầu lạc quan từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Vào lúc 16h10 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 12 xu Mỹ, hay 0,1%, xuống 86,82 USD/ounce. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI), giảm 7 xu Mỹ, hay 0,1%, xuống 82,75 USD/ounce.

Giá cả hai loại dầu trên đều đang trên đà khởi sắc kể từ tháng Sáu. Trong đó, đáng chú ý, giá dầu WTI đã có thời điểm chạm mức cao nhất năm nay trong phiên 10/8, còn giá dầu Brent cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng Một.

IEA ngày 11/8 cảnh báo lượng dầu dự trữ toàn cầu có khả năng giảm mạnh trong thời gian còn lại của năm nay, do đó có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa, dù tổ chức này dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng chậm lại ở mức 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm 150.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

[Dầu tại thị trường châu Á vững giá ở mức cao trong nhiều tháng]

OPEC mới đây dự đoán nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 sau khi tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm nay. Cả hai dự báo này đều không đổi so với dự đoán được đưa ra vào tháng trước.

Tâm lý trên thị trường cũng được hỗ trợ khi số liệu giá tiêu dùng tháng Bảy của Mỹ làm dấy lên đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ nâng lãi suất.

Về phía cung, giá dầu đang được nâng đỡ khi Saudi Arabia và Nga gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng, cũng với đó là những lo ngại về nguồn cung trước khả năng xung đột giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu của Nga ở khu vực Biển Đen.

Tuy nhiên, tâm lý thị trường phần nào bị ảnh hưởng bởi các số liệu kinh tế kém khả quan từ Trung Quốc. Số liệu gần đây cho thấy giá tiêu dùng của Trung Quốc đã rơi vào tình trạng giảm phát và giá sản xuất cũng kéo dài đà giảm trong tháng Bảy, từ đó làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục