Thủ đô Hà Nội xếp thứ 24 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015

Dẫn đầu Bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh năm 2015 (PCI 2015), Đà Nẵng chính thức duy trì vị trí này trong ba năm liên tiếp.
Thủ đô Hà Nội xếp thứ 24 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 ảnh 1Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Dẫn đầu Bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh năm 2015 (PCI 2015), Đà Nẵng chính thức duy trì vị trí này trong ba năm liên tiếp đồng thời ​đây là lần thứ sáu thành phố được ​ghi nhận địa phương có năng lực cạnh tranh tốt nhất trong cả nước. Trong danh sách này, Thủ đô Hà Nội chỉ xếp thứ 24 với 59 điểm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đây là năm thứ 11 VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện và công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh. Báo cáo này đại diện tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam.

Cụ thể năm nay, Đà Nẵng đạt số điểm 68,34 đứng vị trí thứ nhất, bám sát là Đồng Tháp với 66,39 điểm và kế đến là Quảng Ninh đạt 65,75 điểm, những địa phương nổi bật với những sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành.

Nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất gồm có Vĩnh Phúc, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa. Trong khi Thủ đô Hà Nội chỉ đạt vị trí thứ 24 với số điểm 59.

Môi trường kinh doanh khởi sắc

Theo ông Tuấn, kết quả điều tra PCI 2015 cho thấy những dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Cụ thể, tỉ lệ doanh nghiệp tăng quy mô đầu tư vốn tăng nhẹ (10,9%), lần đầu tiên trong vòng 10 năm, quy mô vốn doanh nghiệp trung bình đạt mức mức cao nhất (16,5 tỉ đồng).

Các ý kiến cho thấy sự lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh, theo đó 49% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tăng lần lượt 3% và 16% so với năm 2014 và năm 2013 và đây cũng là mức cao nhất của chỉ tiêu này trong vòng 5 năm công bố báo cáo PCI trở lại đây.

Khảo sát PCI 2015 ghi nhận những cải thiện ở lĩnh vực gia nhập thị trường, một doanh nghiệp trung bình chỉ mất khoảng 8 ngày là thể lấy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay vì 10-12 ngày như trước…

Về Tính minh bạch, khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch cấp tỉnh (như bản đồ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng) cũng được cải thiện. Cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương dần trở thành kênh cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Tỉ lệ doanh nghiệp truy cập vào cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố tăng mạnh từ 64% (năm 2014) lên 72% (năm 2015).

Bên cạnh đó, chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đã có những bước cải thiện, nhiều doanh nghiệp ghi nhận các thủ tục, giấy tờ đã đơn giản hơn (51%), doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký (61%), cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả (67%) và thân thiện, nhiệt tình (59%)…

Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế cũng rất rõ nét, thời gian thanh tra thuế đã giảm từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ (trung bình một cuộc thanh tra), đây mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Phụ thuộc thị trường nội địa

Các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam chiếm tới 7,6% là quy mô nhỏ và vừa (Sách Trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam năm 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố). Tại các quốc gia khu vực kinh tế này luôn giữ vai trò quan trọng, song tại Việt Nam năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp này còn rất yếu.  

Theo Báo cáo, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên từ các mô hình sản xuất gia đình, cá thể nhỏ lẻ (chiếm 77% các doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% doanh nghiệp nhỏ).

Đáng lưu ý, các doanh nghiệp dân doanh phần lớn quẩn quanh trong thị trường nội địa, khi mà chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa có khách hàng ở nước ngoài.

Ngay đến các doanh nghiệp lớn trong nước, việc vươn được ra thị trường nước ngoài cũng chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn (24%).

Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa thua lỗ tương đối cao, khi mà 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa cho biết họ đã mất vốn trong năm qua.

“Kết quả này góp phần lý giải cho tỷ trọng 70,7% của khối doanh nghiệp ​đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2015,” ông Tuấn nói.

Đánh giá về môi trường kinh doanh tại các địa phương năm 2015, đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy những cảm nhận tiêu cực hơn so các doanh nghiệp lớn trên một số lĩnh vực tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục