Thu phí hạ tầng cảng biển: Doanh nghiệp vẫn muốn lùi thời điểm

Theo các hiệp hội doanh nghiệp, thời điểm áp dụng thu phí chưa phù hợp do đa số các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19; bên cạnh đó mức phí áp dụng cũng chưa công bằng, chưa phù hợp.
Thu phí hạ tầng cảng biển: Doanh nghiệp vẫn muốn lùi thời điểm ảnh 1Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển (thu phí hạ tầng cảng biển) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/4.

Nguồn thu phí sẽ được sử dụng đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn. Tuy nhiên sau hai lần lùi thu phí, hiện một số hiệp hội doanh nghiệp đang tiếp tục kiến nghị lùi thời gian thực hiện.

Bài 1: Doanh nghiệp muốn tiếp tục lùi thời gian thu phí

Sau hai lần lùi thời hạn thu phí hạ tầng cảng biển, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thu phí theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố. Tuy nhiên, vừa qua, một số hiệp hội ngành nghề đã có văn bản kiến nghị lùi thời gian thu phí cũng như điều chỉnh mức thu, công khai kế hoạch sử dụng nguồn thu.

Hai lần hoãn thu phí

Cuối năm 2020, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố, thời gian triển khai thu phí từ ngày 1/7/2021.

Mức thu đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container 40ft và 2,2 triệu đồng với container 20ft.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container 20ft; 1 triệu đồng/container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cuối tháng 6/2021, Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết, lùi thời hạn thu phí đến ngày 1/10. Sau đó, ngày 19/10, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thông qua Nghị quyết về lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến ngày 1/4/2022.

Theo số liệu dự kiến thu phí của Đề án thu phí hạ tầng cảng biển, số thu dự kiến trong 3 tháng, từ 1/7-30/9/2021, là 723 tỷ đồng; nếu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/10/2021, thì số thu dự kiến trong 6 tháng (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 31/3/2022) là 1.482 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, khoản thu dự kiến này xem như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu phí hạ tầng tại 26 cảng biển; trong đó, tập trung chủ yếu tại khu vực Cát Lái. Hiện sản lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái chiếm khoảng 95% cảng biển của thành phố, 25 cảng còn lại chỉ chiếm khoảng 5%. Việc đầu tư hạ tầng giao thông cũng được ưu tiên cho khu vực Cát Lái và một số dự án tại cảng Hiệp Phước, Trường Thọ.

Lại kiến nghị lùi thu phí

Ngày 1/3 vừa qua, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Da giày-Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cùng gửi văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính; Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo các hiệp hội, thời điểm áp dụng chưa phù hợp. Cụ thể, từ 11/6/2021 đến cuối tháng 9/2021, đa số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh COVID-19. Từ tháng 10-12/2021, đa số doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động cầm chừng được từ 30-70% công suất do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy...

[TP. HCM tiếp tục lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến 4/2022]

Đầu năm 2022, các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì lại gánh thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng... Do vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển vào thời điểm này là chưa phù hợp do làm gia tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, văn bản kiến nghị cũng nêu mức phí áp dụng chưa công bằng, chưa phù hợp, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện.

Thu phí hạ tầng cảng biển: Doanh nghiệp vẫn muốn lùi thời điểm ảnh 2Quang cảnh cảng Cát Lái luôn đầy ắp hàng hóa. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các lô hàng mở tờ khai hải quan ngoài Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu mức phí cao gấp đôi đối với các lô hàng mở tờ khai hải quan tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, dù đã sắp tới thời điểm bắt đầu thu phí nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có thông báo công khai về việc sử dụng các mức phí này cho những công trình hạ tầng cụ thể nào.

Trên cơ sở đó, các hiệp hội kiến nghị chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên cho đến hết 31/12/2022 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh; điều chỉnh các mức thu nói trên giảm xuống; không tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và gây ách tắc cho việc thực hiện thủ tục hành chính.

Ngoài ra, các hiệp hội cũng kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần công khai, minh bạch các khoản thu, chi, đảm bảo không sử dụng ngân sách thu từ các khoản này vào các hoạt động, các công trình không phục vụ hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu tại các cảng biển của các doanh nghiệp.

Trước đó, giữa năm năm 2021, các hiệp hội cũng gửi văn bản kiến nghị lùi thời gian triển khai thu phí hạ tầng cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh, ít nhất đến hết năm 2021.

Các nội dung kiến nghị năm 2021 phần lớn tương đồng với nội dung văn bản vừa kiến nghị năm 2022.

Trước đây, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm năm 2019 và năm 2020, khi xây dựng Đề án, Thành phố dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2021.

Sau khi lấy ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, mặt trận đoàn thể, thành phố quyết định lùi lại thời hạn thực hiện là từ ngày 1/7/2021. Toàn bộ số thu phí hạ tầng cảng biển, sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí, được nộp vào ngân sách thành phố.

Sở Tài chính phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển.

Theo Sở Giao thông Vận tải, nguồn lực sẽ ưu tiên đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định, nút giao thông Mỹ Thủy; khép kín đường Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa; mở rộng đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đường liên cảng Cát Lái-Phú Hữu, xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4.

Ngoài ra, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ các công trình đang triển khai như mở rộng đường Đồng Văn Cống, Lã Xuân Oai, Lương Định Của.

Bố trí một phần ngân sách của thành phố để đầu tư các công trình xây dựng nút giao An Phú; mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đủ quy mô theo quy hoạch kết hợp xây dựng các đường song hành trên địa bàn…

Thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư khép kín Vành đai 2 và các tuyến đường kết nối Vành đai 2, các dự án tại thành phố Thủ Đức, bởi hạ tầng khu vực này đã quá tải. Nếu nguồn thu tốt và tập trung được nguồn lực đầu tư cho khu vực này, vòng quay của xe vào cảng Cát Lái sẽ được cải thiện.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện Sở chưa nhận được văn bản kiến nghị của các Hiệp hội, do đó các đơn vị vẫn triển khai theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố (thu phí từ ngày 1/4/2022).

Hiện, hệ thống thu phí tự động được thử nghiệm và đánh giá ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục