Thủ tướng Ấn Độ thăm châu Âu, mở rộng tham vọng "Make in India"

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến công du châu Âu nhằm thúc đẩy các mối quan hệ song phương cũng như thiết lập đối tác kinh tế với các nhóm nước tiềm năng.
Thủ tướng Ấn Độ thăm châu Âu, mở rộng tham vọng "Make in India" ảnh 1Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven (phải), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến công du châu Âu kéo dài từ ngày 16-20/4 đưa ông tới Thụy Điển và Anh nhằm thúc đẩy các mối quan hệ song phương cũng như thiết lập đối tác kinh tế với các nhóm nước tiềm năng.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới nhằm củng cố vị thế và tăng cường ảnh hưởng của quốc gia Nam Á này trong khu vực và trên trường quốc tế.

Mặt khác, đây là bước đi tiếp theo trong lộ trình triển khai chiến dịch tham vọng "Make in India" (Sản xuất tại Ấn Độ) mà ông Modi phát động từ năm 2014 với mục tiêu kết nối đầu tư "vì hiện tại và tương lai Ấn Độ." 

Chuyến thăm đầu tiên của ông Modi tới Thụy Điển và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một vị thủ tướng quốc gia Nam Á tới dất nước Bắc Âu sau 30 năm, được đánh dấu bằng việc lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất quốc phòng, an ninh mạng cùng nhiều lĩnh vực khác.

Đặc biệt, ông Modi đã tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Ấn Độ và 5 quốc gia Bắc Âu (gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Na Uy).

Chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo Ấn Độ tại sự kiện này xoay quanh vấn đề hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, cơ sở hạ tầng, năng lượng, giáo dục, cũng như thu hút đầu tư trong chiến lược "Make in India" biến Ấn Độ trở thành trung tâm chế tạo toàn cầu.

Đáng lưu ý, đây là lần thứ hai nhóm 5 nước Bắc Âu này tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương với một quốc gia riêng rẽ, cho thấy Ấn Độ đang được coi là một đối tác tiềm năng.

Trước Ấn Độ, các nước Bắc Âu từng tổ chức một hội nghị tương tự với Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Chuyên gia Henrik Aspengren thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Thụy Điển cho biết các nước Bắc Âu ở khu vực Scandinavia nhìn nhận Ấn Độ có thể đóng một vai trò quan trọng trong những năm tới và mong muốn tăng cường hợp tác thương mại với nước này.

Khu vực Bắc Âu, với 27 triệu dân và quy mô nền kinh tế tương đương Canada, được đánh giá là một cộng đồng thịnh vượng có thu nhập cao, với các chính sách tập trung nâng cao chất lượng và đổi mới công nghệ.

Đối với Ấn Độ, giới chuyên gia nhận định các nước Bắc Âu là một nguồn lực tiềm năng cho phát triển công nghệ sạch, các giải pháp về môi trường, hiện đại hóa các cảng biển...

Hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các nước Bắc Âu đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5,3 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2017, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ ở mức 2,5 tỷ USD.

Rõ ràng, việc đẩy mạnh hợp tác với các nước Bắc Âu đang giúp Ấn Độ hiện thực hóa mục tiêu vượt ra khỏi khuôn khổ Chính sách Hành động hướng Đông, gây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với châu Âu.

Chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ tới Bắc Âu lần này có thể coi là bước mở đường khám phá những cơ hội đầu tư mới, "bắc cầu" cho việc triển khai các dự án hợp tác tham vọng.

[Ấn Độ và Anh tìm xung lực mới cho quan hệ song phương hậu Brexit]

Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với Ấn Độ cũng được đánh giá là "cơ hội vàng" để 5 nước Bắc Âu tiến sâu hơn nữa vào một trong những nền kinh tế lớn phát triển năng động ở châu Á.

Với mức tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu học ổn định (lực lượng thanh niên chiếm khoảng 60-70% dân số), cùng vị trí địa chiến lược quan trong ở khu vực Ấn Độ Dương, Ấn Độ đang là một đối tác chất lượng đối với các quốc gia châu Âu.

Tại Anh, đối tác lịch sử và truyền thống của Ấn Độ, hai bên đã nhất trí xây dựng một mối quan hệ thương mại song phương vững mạnh hơn, đồng thời hướng tới quan hệ đối tác công nghệ mới.

Cao ủy Anh tại Ấn Độ Dominic Asquith nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Anh diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang "rất tốt."

Tuy nhiên, có thể thấy Ấn Độ có nhiều lý do để mong muốn một mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa với Anh, trong khi London, đang trong tiến trình đàm phán ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) coi quan hệ mật thiết với Ấn Độ "nằm trong lợi ích chính trị và kinh tế của mình."

Bởi vậy, Anh và Ấn Độ đang xác định lại vai trò của từng nước trong mối quan hệ đối tác chiến lược song phương.

Thủ tướng Modi cũng nhân chuyến thăm Anh để tham dự Hội nghị những người đứng đầu chính phủ Khối Thịnh vượng chung diễn ra.

Việc ông Modi trở thành nhà lãnh đạo Ấn Độ đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh của Khối Thịnh vượng chung trong 9 năm qua cho thấy Ấn Độ mong muốn đẩy mạnh quan hệ với khối gồm 53 thành viên này.

Khối Thịnh vượng chung lâu nay vẫn kêu gọi Ấn Độ, thành viên lớn nhất trong khối chiếm 55% tổng số dân 2,3 tỷ người và 26% trao đổi thương mại nội khối, hoạt động tích cực hơn nữa, với hy vọng Ấn Độ đóng vai trò đứng đầu trong dài hạn.

Trong khi đó, Anh cũng nhiều lần kêu gọi Ấn Độ "tạo luồng gió mới," trở thành một trung tâm đầu tư và thương mại của Khối Thịnh vượng chung, vốn được biết đến như một diễn đàn đối thoại chính trị và hiện đang giảm tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Ngoài ra, các nước thành viên Khối Thịnh vượng chung cũng nhận định Ấn Độ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hội nhập các nền kinh tế khu vực do nước này là thị trường mới nổi trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Thủ tướng Ấn Độ thăm châu Âu, mở rộng tham vọng "Make in India" ảnh 2Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc Đại học Jindal Global, Pankaj Jha, nhận định Khối Thịnh vượng chung có thể là phương tiện để duy trì và hỗ trợ Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ, đặc biệt trong thúc đẩy các mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), do các thành viên như Brunei, Malaysia hay Singapore cũng tham gia Khối Thịnh vương chung. Chưa kể quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương khác như Australia.

Kể từ khi Ấn Độ triển khai quyết định lịch sử tìm cách hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới năm 1991, đánh dấu sự thay đổi chiến lược trong tầm nhìn của New Dehli đối với thế giới và vị trí của nước này trong nền kinh tế toàn cầu, chính sách đối ngoại cốt lõi của Ấn Độ luôn thể hiện rõ mục tiêu tăng cường hướng ngoại để hỗ trợ chuyển đổi kinh tế-xã hội và phát triển đất nước.

Với những mục tiêu được xác định rõ ràng qua chuyến công du tới Thụy Điển và Anh lần này, có thể thấy, Thủ tướng Modi đang tiếp tục chính sách ngoại giao kinh tế thực dụng và hiệu quả nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác vững chắc trên nhiều mặt với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đây là một phần trong các chính sách hành động của ông nhằm nâng cao vị thế của Ấn Độ, cũng là cách để chứng tỏ với thế giới rằng Ấn Độ là "một người khổng lồ khác" của châu Á với ảnh hưởng ngày càng gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục