Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Việt Nam phải là công xưởng của thế giới'

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải là công xưởng của thế giới, là địa bàn thu hút đầu tư, có môi trường tốt để mọi thành phần kinh tế đều có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Việt Nam phải là công xưởng của thế giới' ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngành công thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2019 của ngành công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, sau 30 năm đổi mới, ngành công thương liên tục phát triển, trở thành ngành mũi nhọn, đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế đất nước, nâng cao mức sống của người dân, đóng góp vào 80% GDP và 7% ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, nền kinh tế hoàn thành toàn diện các mục tiêu được giao, trong đó nhiều chỉ số tăng trưởng vượt bậc như xuất nhập khẩu, xuất siêu, thương mại tiêu dùng… những thành tựu quan trọng này không thể có được nếu thiếu vai trò của ngành công thương.

Đơn cử, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt đến 245 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao.

[Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Được mùa cả Công lẫn Thương]

Một điểm nhấn nữa là kim ngạch xuất khẩu tăng cao ở tất cả các thị trường, đặc biệt là những thị trường Việt Nam có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU…

Dù vậy, Thủ tướng cũng lưu ý những khuyến điểm, tồn tại của ngành công thương, như tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh nhiều chiến lược, quy hoạch trong ngành còn chưa cao. Một số quy hoạch được triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn gây lúng túng trong công tác quản lý.

Thủ tướng cho rằng, ngành công nghiệp còn chưa phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự dẫn dắt, trong khi mức độ liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa tạo được liên kết các ngành theo hướng chuyên môn hóa sâu phù hợp với thị trường.

Bên cạnh đó, việc triển khai một số Hiệp định Thương mại tự do chưa hiệu quả, việc phổ cập các hiệp định thương mại đến người dân, doanh nghiệp còn hạn chế...

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương với thành tích đạt được không được chủ quan, thỏa mãn, phải nhìn rõ cơ hội, thách thức, làm đầu tàu cho sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước để cả nước lên chuyến tàu cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhắc lại phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019 trong đó nhấn mạnh đến việc “bứt phá”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Việt Nam có thể thành con hổ, có thể thành con rồng hay không chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển đột phá của ngành công thương Việt Nam.”

Về nhiệm vụ năm 2019, ngoài các giải pháp nêu trong Nghị quyết 01, 02, Thủ tướng nêu rõ giải pháp quan trọng với ngành công thương là khoa học công nghệ, đồng thời yêu cầu ngành đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương theo đúng phương án, kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.

"Biến thời cơ thành nội công, Việt Nam phải là công xưởng của thế giới, là địa bàn thu hút đầu tư, có môi trường tốt để mọi thành phần kinh tế đều có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện khát vọng đưa Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý thêm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Việt Nam phải là công xưởng của thế giới' ảnh 2Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị ngành công thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hứa sẽ quán triệt và ý thức sâu sắc về 9 nhiệm vụ lớn mà Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương, trong đó có rất nhiều nhiệm vụ được triển khai trong quá trình dài, cũng có những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng về việc "Bộ Công Thương phải làm gì, ngành công thương phải làm gì", Bộ trưởng cho biết ngành đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động số 08 và 09 ban hành ngày 4/1 để thể hiện sự quán triệt tinh thần tiếp thu và sự nghiêm túc của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức ngành công thương triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ.

"Bộ Công Thương sẽ phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra cho ngành công thương. Chúng tôi xin hứa với Thủ tướng Chính phủ với các đồng chí lãnh đạo của sẽ nghiêm túc quán triệt tiếp thu biến nội dung chỉ đạo thành hành động chủ trương cụ thể để trả lời và giải đáp những nội dung mà Thủ tướng đã yêu cầu ngành công thương," Bộ trường Trần Tuấn Anh cho hay.

Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ đối với ngành công thương
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục