Quy trình vận hành liên hồ chứa trong các đợt lũ vừa qua ở Thừa Thiên-Huế không làm giảm lũ mà còn gây ngập lụt thêm cho vùng hạ du, trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa phù hợp hơn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ đầu tháng 12 đến nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với gió đông trên cao nên tại tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tiếp xảy ra 3 đợt lũ.
Đợt lũ từ ngày 1-4/12, hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch xả về hạ du 390 triệu m3 nước; đợt lũ kép trong các ngày 11-12/12 và từ ngày 13-16/12 các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch xả về hạ du 856 triệu m3.
Đáng chú ý, các hồ chứa luôn dự trữ nước ở cao trình đỉnh tràn; nếu quy trình vận hành xả lũ thực hiện sớm hơn hoặc tính toán đến việc vận hành xả lũ so le trên các sông thì sẽ góp phần giảm được ngập lụt cho vùng hạ du.
Đợt mưa lũ vừa qua tại Thừa Thiên-Huế đã khiến 5 người chết, gần 8.200 ngôi nhà bị ngập, thiệt hại 3.000ha giống đã gieo vụ Đông Xuân, 854 ha rau màu.
Tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông xảy ra nghiêm trọng. Bờ sông Hương bị sạt lở trên tổng chiều dài 5,8km; hơn 10,5km bờ biển qua địa bàn các xã Phong Hải (huyện Phong Điền), Quảng Công (huyện Quảng Điền), Phú Thuận (huyện Phú Vang), Vinh Hải, Tư Hiền (huyện Phú Lộc) bị sạt lở nghiêm trọng.
Thống kê bước đầu, tổng thiệt hại do các đợt mưa lũ gây ra đối với Thừa Thiên-Huế là 356 tỷ đồng. Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn gạo cho nhân dân vùng bị ngập lụt và 100 tấn lúa giống, 10 tấn ngô giống, 5 tấn giống rau đậu các loại phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân.
Các vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh yêu cầu được hỗ trợ chất khử trùng để xử lý môi trường nuôi trồng cho vụ mới.../.