Thúc đẩy quan hệ hợp tác báo chí giữa Việt Nam và Thụy Sĩ

Từ ngày 29/6-4/7, đoàn đại biểu Hội nhà báo Việt Nam (VJA) do nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội, dẫn đầu, đã có chuyến thăm và làm việc tại Thụy Sĩ.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác báo chí giữa Việt Nam và Thụy Sĩ ảnh 1Nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Từ ngày 29/6-4/7, đoàn đại biểu Hội nhà báo Việt Nam (VJA) do nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội, dẫn đầu, đã có chuyến thăm và làm việc tại Thụy Sĩ trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Thụy Sĩ và Liechtenstein (APES).

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong những ngày thăm và làm việc tại Thụy Sĩ, đoàn đại biểu Hội nhà báo Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch APES Jean Musy cùng nhiều nhà báo của Hiệp hội này.

Hai bên khẳng định tiếp tục làm việc để kéo dài thỏa thuận hợp tác đã ký cuối năm 2017, vốn có thời hạn hai năm 2017-2018, với hoạt động trước mắt là trao đổi các đoàn nhà báo công tác, thăm quan. Tháng 11/2017 vừa qua, đoàn đại biểu APES do Chủ tịch Hiệp hội, nhà báo Jean Musy dẫn đầu, đã có chuyến thăm và làm việc lần đầu tiên tại Việt Nam.

Tại bang Geneva, đoàn đại biểu Hội nhà báo Việt Nam có buổi làm việc với đại diện Cơ quan chuyên trách thành phố Geneva, ông Olivier Coutau, và nghe giới thiệu về thành phố quốc tế Geneva. Tại thành phố Geneva có trụ sở Liên hợp quốc và 35 tổ chức liên chính phủ, có số lượng lớn các phái đoàn đại diện ngoại giao của 176 quốc gia. Geneva tự hào là một thành phố hướng đến các giá trị nhân văn và đặt ưu tiên phát triển các dịch vụ công chất lượng cao. Đại diện cơ quan chức năng Geneva cũng giới thiệu với các nhà báo Việt Nam về lịch sử, tổ chức chính trị và hành chính của bang và thành phố.

Đoàn đại biểu Hội nhà báo Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ và Ban Thư ký Nhà nước Thụy Sĩ về kinh tế (SECO) tại thủ đô Berne với các chủ đề chính là quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ, trong đó có tình hình trao đổi thương mại, kinh tế song phương. Hợp tác kinh tế luôn là một trụ cột trong quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971 và đã đạt nhiều chuyển biến lớn trong những năm trở lại đây. Năm 2016, trao đổi thương mại song phương lên tới 2 tỷ Franc (tương đương 2 tỷ USD), tăng 36% so với năm trước. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thụy Sĩ trong số các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hơn 90 tập đoàn, công ty của Thụy Sỹ đã có mặt, kinh doanh thành công tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến những tên tuổi lớn như Nestle, Novatis, Roche, Holcim…, đưa Thụy Sĩ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 4 trong các nước châu Âu tại Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư của Thụy Sỹ tại Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD, qua đó cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sỹ đối với thị trường Việt Nam đầy triển vọng. Thụy Sĩ và Việt Nam đã ký kết hơn 30 thỏa thuận hợp tác song phương về kinh tế và hiện nay, Thụy Sĩ đang cùng 3 nước khác trong khu vực Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đàm phán ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EFTA. Vòng đàm phán gần đây nhất vừa diễn ra trong tháng 5 vừa qua.

Cũng trong cuộc gặp với với đại diện Ban Thư ký Nhà nước Thụy Sĩ về giáo dục, nghiên cứu và sáng tạo, các nhà báo Việt Nam đã có cơ hội được nghe giới thiệu về hệ thống đào tạo nghề và giáo dục Thụy Sĩ. Hệ thống đào tạo nghề là một phần quan trọng trong tổng thể hệ thống giáo dục của Thụy Sĩ, gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động, giúp trang bị kỹ năng cần thiết cho thanh niên bước vào thị trường lao động đồng thời đảm bảo đủ nhân lực cho nền kinh tế trong tương lai.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thụy Sĩ, đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam đã tới thăm trụ sở Liên hợp quốc và các danh lam thắng cảnh tại Geneva, Lausanne (bang Vaud, phía Tây Thụy Sĩ) và các địa danh nổi tiếng tại thủ đô Berne./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục