Thực hiện đồng bộ việc phòng, chống ma túy và các loại tội phạm khác

Công tác phòng, chống tội phạm ma túy không chỉ của riêng lực lượng công an, y tế hay ngành lao động-thương binh, xã hội mà là nhiệm vụ của tòa án, các cơ quan khối tư pháp, MTTQ và các tổ chức...
Thực hiện đồng bộ việc phòng, chống ma túy và các loại tội phạm khác ảnh 1Số ma túy thu giữ được trong một vụ án. (Ảnh minh họa: Đinh Tuấn/TTXVN)

Sáng 22/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật Phòng, chống ma túy 2021.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình bày nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống ma túy 2021; Nghị định 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Nghị định 109/2021/NĐ-CP quy định về cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy; Thông tư 18/2021/TT-BYT quy định tiêu chuẩn chấn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện và quản lý cai nghiện.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công và phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt việc sử dụng ma túy tổng hợp.

Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm phát hiện thêm khoảng 140.000 người sử dụng trái phép chất ma túy. Nhiều trường hợp sử dụng các loại ma túy mạnh ngay từ lần đầu, nhất là ma túy tổng hợp, nguy hiểm cho chính bản thân, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

[Đánh chặn ma túy từ nước ngoài vào nội địa - Những “kẽ hở” nguy hiểm]

Nhấn mạnh quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết, từ năm 2009 đến năm 2021, số người nghiện có hồ sơ quản lý trong cả nước tăng từ 146.731 người lên 246.648 người, tăng 68%.

Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội còn nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.

Trong khi đó, điều kiện về cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện chưa đảm bảo; chưa có quy định cụ thể về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.

Thực hiện đồng bộ việc phòng, chống ma túy và các loại tội phạm khác ảnh 2Số ma túy thu giữ được trong một vụ án. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy không thống nhất, đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

Sau khi được ban hành, Luật Phòng, chống ma túy 2021 nhấn mạnh “ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy,” “cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.”

Luật quy định thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như “nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất,” “chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện”…

Luật bổ sung quy định kiểm soát đối với thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; bổ sung kiểm soát đối với các hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất nhằm tăng cường quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, góp phần nâng cao năng lực phát hiện và ngăn chặn các đối tượng phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy.

So với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008, luật quy định cụ thể trường hợp bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể để các cơ quan chức năng có căn cứ khách quan xác định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và giám sát người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Người sử dụng trái phép chất ma túy được lập danh sách và quản lý, theo dõi, hỗ trợ ngay từ lần đầu bị phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và đây không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Luật quy định các trường hợp phải xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp.

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy 2021 đều đã được chuẩn bị căn cơ, đối chiếu, rà soát, gửi đến những người thực hiện trực tiếp ở cấp xã, huyện, tỉnh. Các quy định đã được triển khai tập huấn tới cơ sở trước khi tổ chức Hội nghị quán triệt toàn quốc.

Luật quy định rõ nội dung quản lý nhà nước và chỉ quy định trách nhiệm của một số bộ có chức năng, nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, gồm: Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính.

Điện Biên là địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy. Đại tá Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, cho biết, Công an tỉnh đã triển khai tập huấn chuyên sâu về thi hành Luật Phòng, chống ma túy 2021 tới 100% công an cấp xã.

Luật đã cân bằng giữa phòng và chống, thể chế hóa việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa nguy cơ xảy ra những tội phạm hình sự nghiêm trọng; quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện trong thực hiện thủ tục đưa người đi cai nghiện bắt buộc; nguyên tắc phối hợp của các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy; tiêu chuẩn xác định trạng thái nghiện ma túy, nhất là xã vùng sâu, vùng xa…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống ma túy, song nguy cơ vẫn còn rất lớn. Công tác phòng, chống tội phạm ma túy phải triển khai rất quyết liệt bởi đây “không chỉ là nguồn gốc mà còn là tội phạm của các loại tội phạm.”

Trong khi đó, Việt Nam ở khu vực tương đối nhạy cảm, đặc thù; số người nghiện ma túy tiếp tục tăng, đặc biệt là số đối tượng nghiện ma túy tổng hợp - gây nhiều khó khăn cho công tác cai nghiện, điều trị, phòng, chống các tệ nạn xã hội khác…

“Công tác phòng, chống ma túy phải kiên quyết cả 2 mũi đầu cung và đầu cầu, cùng với đó là công tác cai nghiện cho các đối tượng, phải được thực hiện nghiêm vì lợi ích của số đông, đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân,” Phó Thủ tướng lưu ý.

Công tác phòng, chống tội phạm ma túy không chỉ của riêng lực lượng công an, y tế hay ngành lao động-thương binh, xã hội mà là nhiệm vụ của tòa án, các cơ quan khối tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể… trong vận động phòng, chống và các biện pháp ứng xử đúng pháp luật, nghiêm minh với các đối tượng nghiện ma túy.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh hiện nay, lực lượng công an chính quy đã được tăng cường về cấp xã, cần phát huy vai trò đầu mối, nòng cốt của lực lượng này ngay từ cơ sở, dưới chỉ đạo chung của cấp ủy, chính quyền địa phương.

“Công tác phòng, chống ma túy và các loại tội phạm khác phải thực hiện đồng bộ và tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn với các phong trào thi đua, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng,” Phó Thủ tướng yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục