Giá xăng tại Mỹ tăng gần 70 xu Mỹ/gallon (3,78 lít) trong khoảng thời gian hai tuần ngay sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Mặc dù đã thoát khỏi tình trạng tăng mạnh, song giá xăng hiện vẫn ở mức hơn 4 USD/gallon.
Trước diễn biến này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phản ứng bằng cách tuyên bố xả kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của quốc gia để tăng nguồn cung và hạ giá “vàng đen.”
Động thái này, cùng với nỗ lực từ các đồng minh của Mỹ, sẽ cung cấp thêm cho thị trường hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
[EU và OPEC nhận định khác nhau về việc tăng sản lượng dầu]
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ và Quốc hội nước này muốn đi xa hơn trong việc kiềm chế đà tăng giá dầu. Một cách để làm điều đó là ban hành thuế lợi nhuận đột biến đối với Big Oil - gồm các tập đoàn năng lượng hàng đầu nước này.
Các công ty dầu mỏ khổng lồ như Shell, BP, ExxonMobil và Chevron đã báo cáo lợi nhuận hơn 75 tỷ USD vào năm ngoái. Chỉ riêng ExxonMobil đã kiếm được 8,9 tỷ USD trong ba tháng cuối năm 2021.
Công ty con của ExxonMobil, Exxon Neftegas Limited, có cổ phần trong một dự án dầu khí đã tạo ra hàng tỷ USD khoản thanh toán cho Chính phủ liên bang và các chính quyền địa phương của Nga.
Trong khi đó, BP - tập đoàn năng lượng lớn của Anh - đã sở hữu khoảng 20% cổ phần của Rosneft, công ty dầu khí quốc doanh của Nga, kể từ năm 2013, mặc dù họ đã tuyên bố sẽ thoái vốn.
Shell cũng có cổ phần trong dự án dầu khí mà công ty năng lượng Gazprom của Nga đang kiểm soát, trong khi Chevron sở hữu cổ phần trong liên doanh đường ống tại đây.
Các công ty này đang đua nhau kiếm lợi khi giá dầu tăng vọt trước những tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Họ đang sử dụng lợi nhuận thu được để tăng chi trả cho cổ đông thông qua mua lại và cổ tức.
Đó là lý do tại sao Mỹ và một nước phải triển khai thuế lợi nhuận tạm thời, qua đó có thể mang lại hàng chục tỷ USD cho ngân sách quốc gia để giúp giảm chi phí nhiên liệu cho các hộ gia đình.
Mức thuế trên sẽ tăng hoặc giảm khi giá cả biến động, cho đến khi trở lại mức trước khủng hoảng.
Đề xuất này sẽ là một phản ứng tạm thời đối với một cuộc khủng hoảng năng lượng quốc tế bất thường hiện tại. Quốc hội Mỹ có thể đảm bảo rằng thuế lợi nhuận đột biến sẽ được gỡ bỏ khi giá dầu trở lại mức bình thường (75 USD/thùng).
Nhưng dường như đây sẽ không phải là lần cuối cùng mà người tiêu dùng Mỹ phải chịu mức chi phí năng lượng biến động mạnh, đặc biệt nếu các nước trên thế giới vẫn quá phụ thuộc vào xăng dầu.
Về lâu dài, Mỹ cũng như các nước cũng cần phải đầu tư vào xây dựng nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch.
Đã đến lúc khiến các công ty dầu mỏ phải chia sẻ công bằng và giảm bớt một số gánh nặng cho người tiêu dùng Mỹ.
Hành động tức thời nhất mà Quốc hội Mỹ cần thực hiện là ban hành mức thuế lợi nhuận đột biến để đảm bảo các công ty dầu mỏ không kiếm lời cho riêng họ, trong khi các hộ gia đình Mỹ phải gánh chịu nhiều khó khăn do giá cả tăng vọt./.