Thương hiệu Quốc gia: "Chìa khóa” giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị DN

Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia đã liên tục tăng qua các kỳ xét chọn và khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tối 4/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, quận Nam Từ Liêm Hà Nội đã chính thức diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9, năm 2024.

Với chủ đề: “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh,” Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là thông điệp về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững, thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp không chỉ tiên phong trong lĩnh vực kinh tế mà còn là lực lượng dẫn dắt cho xu hướng phát triển xanh, góp phần tạo nên một Việt Nam thịnh vượng, bền vững và hạnh phúc trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ, được triển khai thực hiện từ năm 2003, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển các thương hiệu mạnh trên thị trường, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có nền sản xuất phát triển, có nhiều hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế thương hiệu Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước, trở thành bệ phóng vững chắc, giúp các doanh nghiệp Việt vươn lên, kiến tạo những giá trị và sức mạnh mới cho đất nước.

Thông qua Chương trình, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu - được xem như là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi Số, chuyển đổi Xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu, từ đó, chú trọng hơn cho xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.

Unknown.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Thương hiệu là "chìa khóa” giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị doanh nghiệp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia đã liên tục tăng qua các kỳ xét chọn và khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển, đồng thời, đi đầu trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội; đóng góp quan trọng vào việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh trong khu vực và thế giới.

“Chúng tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung, các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia nói riêng tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa trong xây dựng, củng cố, phát triển thương hiệu theo các giá trị cốt lõi về “Chất lượng-Đổi mới, Sáng tạo-Năng lực tiên phong” để ngày càng có nhiều doanh nghiệp, sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt trên thị trường và khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên nhằm mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh

Việc xét chọn, công nhận và tổ chức Lễ công bố doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được thực hiện thường kỳ 02 năm một lần, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị trụ cột của Chương trình, đồng thời, ghi nhận, vinh danh những doanh nghiệp, sản phẩm có uy tín, chất lượng hàng đầu quốc gia.

Năm 2024, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã thống nhất lựa chọn và công nhận 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm có đủ điều kiện đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam (tăng 18 doanh nghiệp và 34 sản phẩm so với kỳ xét chọn trước), cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này không chỉ khẳng định sự trưởng thành và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn minh chứng cho sự nỗ lực, sức sáng tạo, đổi mới không ngừng và năng lực tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp Việt, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tại lễ trao giải, các ngân hàng hàng đầu như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, HDBank… cũng đã được vinh danh là Thương hiệu Quốc gia. Đây là những ngân hàng tiên phong, dẫn đầu thị trường tài chính và đang đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế, đồng thời thúc đẩy hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế với những thương hiệu uy tín và chất lượng.

TT trao cup cho HDbank.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao chứng nhận sản phẩm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024 cho ông Phạm Quốc Thanh - Tổng giám đốc HDBank. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, chương trình xúc tiến thương mại uy tín do Chính phủ chủ trì, là cầu nối quan trọng để thế giới biết đến Việt Nam như một điểm đến đáng tin cậy về sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Việc các ngân hàng top đầu như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và HDBank nhận danh hiệu Thương hiệu Quốc gia không chỉ là sự ghi nhận về uy tín trong hệ thống tài chính mà còn khẳng định sự vươn tầm quốc tế, nâng cao sức hút đầu tư vào thị trường Việt Nam từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chúc mừng các doanh nghiệp được vinh danh tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua 20 năm, Chương trình Thương hiệu Quốc gia ngày càng khẳng định là một trong những chương trình uy tín và chất lượng. Số doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu quốc gia tiếp tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024.

Theo đó, Chương trình vừa khẳng định chất lượng sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực trí tuệ, bản lĩnh tính linh hoạt sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo dựng vị thế vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm 2 chữ “Việt Nam” trên thị trường quốc tế, khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng thương hiệu quốc gia.

Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và 2% về giá trị so với năm 2023. Theo Thủ tướng đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu Quốc gia và tác động tích cực từ cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong kiến tạo môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

TH2.jpeg
Các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia của TH đã từng được giành được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín khác như như các giải sản phẩm xuất sắc tại World Food Moscow nhiều năm liên tiếp, ASEAN Best Food Product 2015, Gulfood Dubai 2016, Stevie Awards 2018, China-Asean Expo 2024... (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong bối cảnh chuyển đổi Số, chuyển đổi Xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu và thế giới đang chuyển dần từ mô hình tiêu thụ tài nguyên truyền thống sang kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… Thủ tướng cho rằng không nằm ngoài xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt Nam với khả năng sáng tạo của mình có thể tận dụng cơ hội này để bứt phá, vươn lên, đóng vai trò tích cực trong sự chuyển dịch của toàn cầu.

Vì vậy, Thủ tướng để nghị các doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia của mình không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sức bật cho các ngành, lĩnh vực tiên phong, không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn và khai thác tài nguyên như trước đây mà phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Không chỉ là phát huy làm động lực tăng trưởng truyền thống, mà còn phải phát huy các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế Số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

“Chúng ta cần hiểu rằng, Thương hiệu không chỉ khẳng định ở chất lượng sản phẩm mà còn là cam kết về phát triển bền vững, vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh như chủ đề chương trình chọn,” Thủ tướng nhấn mạnh./.

Có mặt tại Lễ công bố, nhận chứng nhận và biểu trưng Thương hiệu quốc gia cho 14 sản phẩm và nhóm sản phẩm, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH cho biết TH rất tâm đắc với chủ đề của chương trình năm nay là “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh.”

“Trên hành trình nâng tầm thương hiệu Việt để "sánh vai với các cường quốc năm châu", TH luôn khẳng định chất lượng và uy tín của các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, cũng như cam kết hướng tới phát triển xanh,” ông Ngô Minh Hải khẳng định.

Với tư duy Trân quý Mẹ Thiên nhiên, Tập đoàn TH xác định ngay từ khi thành lập là thực hành mô hình kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn theo hướng phát triển bền vững. Chính sách Phát triển bền vững của Tập đoàn gồm 6 trụ cột: Dinh dưỡng - Sức khỏe, Môi trường, Giáo dục, Con người, Cộng đồng, Phúc lợi động vật. Trong đó, hai trụ cột đầu tiên là Dinh dưỡng - Sức khỏe và Môi trường quy định rất nhiều về thực hành các yếu tố xanh, thân thiện môi trường, giảm phát thải trong quá trình chế biến, sản xuất, phát triển sản phẩm.

Không chỉ riêng 14 sản phẩm/ nhóm sản phẩm vừa đạt Thương hiệu quốc gia 2024, toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm TH đều tuân thủ các yêu cầu này. Điều này giúp TH dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt về môi trường trong các hiệp định thương mại trên thế giới, từ đó mở rộng cơ hội xuất khẩu.

Từ Chính sách Phát triển Bền vững với 6 trụ cột, TH đề ra các chiến lược cắt giảm, chuyển đổi và hấp thu và đạt thành quả ở nhiều lĩnh vực: xử lý chất thải và nước thải, sản xuất năng lượng sạch, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu rác thải, đẩy mạnh các giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường, lan tỏa và khuyến khích lối sống “xanh” hơn, thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)...

TH đã nhiều năm liên tiếp đồng hành cùng chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên nhiều phương diện trong đó phải kể đến là Chương trình truyền hình Thương hiệu quốc gia do Bộ Công thương phối hợp với VTV thực hiện. Sự đồng hành của Tập đoàn TH có mục tiêu rất rõ ràng là góp phần chắp cánh cho các Thương hiệu quốc gia, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác cùng vào cuộc.

“Có thể nói, Tập đoàn TH và các sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia của Tập đoàn TH tự tin trong hành trình tiến vào kỷ nguyên xanh cùng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đồng thời chung tay cùng Chính phủ đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050,” ông Ngô Minh Hải khẳng định.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục