Tích cực thúc đẩy xuất khẩu gạo sang thị trường Hong Kong

Các doanh nghiệp kinh doanh gạo Hong Kong rất quan tâm đến gạo Việt Nam, không chỉ gạo thành phẩm các loại mà cả trong lĩnh vực gia công gạo xuất khẩu.
Tích cực thúc đẩy xuất khẩu gạo sang thị trường Hong Kong ảnh 1Đại diện các bộ, ngành và doanh nghiệp gạo Việt Nam, Hong Kong tham dự hội thảo. (Ảnh: Tuấn-Nam-Anh/Vietnam+)

Ngày 16/12, tại tòa nhà Thương hội Triều Châu, Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc, Bộ Công Thương phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Ma Cao tổ chức Hội thảo giao thương gạo và nông sản Việt Nam-Hong Kong.

Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Hải quan, Văn phòng Chính phủ Việt Nam, đại diện Hiệp hội kinh doanh gạo Hong Kong và đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo Hong Kong, Hiệp hội các nhà cung cấp gạo Hong Kong đã tham dự hội thảo.

Đại biểu của hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông sản lớn của Việt Nam như Tổng Công ty lương thực miền Nam, Công ty thương mại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất khẩu gạo Tấn Vương cùng đại diện của khoảng 35 doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh gạo của Hong Kong đã tham dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam, bà Phan Thị Diệu Hà cho biết, những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Hong Kong không ngừng được củng cố và phát triển.

Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 21% so với năm 2013, trong 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Bà Phan Thị Diệu Hà nhấn mạnh, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, tổng lượng xuất khẩu trung bình khoảng 7 triệu tấn/năm.

Hiện gạo Việt Nam đã có mặt trên 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chất lượng gạo Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Hong Kong 60.000 tấn gạo, năm 2014 con số này là 162.000 tấn, tăng gần 3 lần.

Hong Kong là một trong những thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với Hong Kong trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo và thông qua Hong Kong để gạo vươn đến các thị trường khác.

Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh gạo Hong Kong, ông Kenneth Chan khẳng định, Việt Nam đã trở thành thị trường cung cấp gạo rất quan trọng của Hong Kong.

Từ năm 2007, tỷ lệ gạo Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hong Kong tăng mạnh từ 0,1% lên đến 42% trong năm 2013.

Năm 2014, tỷ lệ gạo Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hong Kong chiếm 39,5%, trong 10 tháng đầu năm 2015, Hong Kong nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 81.000 tấn gạo.

Ông Kenneth Chan cho biết, hiện nay, Việt Nam là nước lớn thứ hai sau Thái Lan xuất khẩu gạo sang Hong Kong. Tuy nhiên các thành viên Hiệp hội kinh doanh gạo Hong Kong cho rằng, con số trên vẫn còn khá hạn chế.

Nguyên nhân chính là các doanh nghiêp Hong Kong thiếu thông tin về gạo Việt Nam. ​Thông qua hội thảo này, các doanh nghiệp kinh doanh gạo Hong Kong sẽ có cơ hội tốt để tìm hiểu thêm thông tin về gạo và chính sách xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Phó Tổng Lãnh sự phụ trách thương mại Việt Nam tại Hong Kong và Ma Cao, Phạm Văn Công cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh gạo Hong Kong rất quan tâm đến gạo Việt Nam, không chỉ gạo thành phẩm các loại mà cả trong lĩnh vực gia công gạo xuất khẩu.

Thông qua cuộc hội thảo này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh gạo của Hong Kong có thêm cơ hội để tìm hiểu về chính sách, thị trường xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Hong Kong, không ngừng phát triển.

Tại hội thảo, đại diện bộ, ngành Việt Nam đã lần lượt giải đáp các vấn đề liên quan mà đại diện các doanh nghiệp kinh doanh gạo của Hong Kong quan tâm.

Được biết, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh gạo và hàng nông sản giữa Việt Nam với Trung Quốc, trước khi đến Hong Kong, Bộ Công Thương đã cùng với các cơ quan đại diện hữu quan của Việt Nam tại Trung Quốc lần lượt tổ chức các cuộc hội thảo tương tự tại Nam Ninh (Quảng Tây), Côn Minh (Vân Nam) và Quảng Châu (Quảng Đông), Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục