Sáng 11/3, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cần nâng cao năng lực tư vấn, quản lý dự án cơ khí.
Đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm của Ban chỉ đạo cho thấy trong số 11 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg với tổng vốn đầu tư hơn 9.978 tỷ đồng, có ba dự án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý ký hợp đồng tín dụng vay vốn với tổng giá trị 374 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân đến thời điểm này mới đạt 60,73 tỷ đồng.
Các dự án khác do vướng mắc về thủ tục và hồ sơ, chưa trình hồ sơ vay vốn với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong đó có bốn dự án của Tập đoàn Vinashin (nay là Tổng công ty SBIC) đang được Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại vì nằm trong chương trình tái cơ cấu của doanh nghiệp này.
Trong danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, mới có sản phẩm giàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước đã bàn giao và đi vào hoạt động.
Các sản phẩm là những thiết bị chính trong nhà máy nhiệt điện than; cần trục, cẩu trục chuyên dùng; bình, bồn chứa áp lực cao, chuyên dùng, siêu trọng; tháp trưng cất do Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp nặng Doosan Viet Nam chế tạo chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Việc triển khai đóng mới sản phẩm giàn khoan di động dạng sà lan khoan tiếp trợ của Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí đang phải tạm dừng, chờ kết quả đàm phán với các bên đối tác nước ngoài về giá khí và việc thành lập Liên doanh.
Nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thực hiện Quyết định trên được nhìn nhận chủ yếu là do trong một thời gian dài, tỷ lệ lạm phát và lãi suất tín dụng luôn ở mức cao, tỷ suất lợi nhuận một số ngành cao hơn nhiều đã hạn chế nguồn lực đầu tư của xã hội vào ngành cơ khí.
Cơ chế chính sách thiếu sự nhất quán, thủ tục vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước còn phức tạp, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Vai trò quản lý, kiểm tra, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí của các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế. Chủ đầu tư các dự án có vốn trong nước chưa tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ bé, ít quan tâm đến đầu tư vào ngành cơ khí - lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, lợi nhuận thấp hơn các ngành khác.
Năng lực quản lý, điều hành của một số doanh nghiệp nhà nước lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Việc đầu tư các dự án cơ khí còn mang tính chất phân tán, khép kín trong từng doanh nghiệp; thiếu sự phối kết hợp; công nghệ lạc hậu, dẫn đến chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp, chất lượng sản phẩm còn hạn chế.
Các doanh nghiệp còn thiếu vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ hoặc để đầu tư mới nhằm tạo ra sản phẩm mới, chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
Các gói thầu cung cấp thiết bị cơ khí cho các dự án công nghiệp cần một lượng vốn lớn nên các chủ đầu tư trong nước thường áp dụng hình thức thu xếp vốn từ chính nhà thầu cung cấp thiết bị từ nước ngoài, dẫn đến khả năng để các doanh nghiệp cơ khí trong nước được thực hiện các gói thầu rất khó.
Một số dự án cơ khí trọng điểm, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện nhưng do chủ đầu tư đã thực hiện bằng nguồn vốn khác trước khi vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, không tuân thủ trình tự thủ tục vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hiện hành nên chưa ký được hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định mặc dù có nhiều khó khăn nhưng năm 2014, ngành cơ khí vẫn duy trì được tốc độ xuất khẩu và tăng trưởng cao, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm qua, toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu trên 13 tỷ USD. Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, một số phân ngành cơ khí đã có nhiều khởi sắc, năng lực tư vấn, thiết kế, chế tạo được nâng lên.
Cho rằng ngành cơ khí còn nhiều dư địa để phát triển, Phó Thủ tướng nêu rõ nhu cầu về sản phẩm cơ khí của các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, khai thác than là rất lớn, nhiều sản phẩm cơ khí chế tạo có uy tín, chất lượng, được nhà thầu trong và ngoài nước tin tưởng sẽ tạo cơ hội cho cơ khí phát triển.
Chỉ ra những hạn chế về năng lực tư vấn, các sản phẩm trọng điểm được lựa chọn vẫn mang tính lắt nhắt, không triển khai được, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không phát triển năng lực tư vấn, quản lý dự án, chỉ mải gia công, xây lắp sẽ không thành công, giá trị gia tăng thấp.
Phó Thủ tướng chỉ đạo phải nâng cao năng lực tư vấn, chuyển giao khoa học, chọn được sản phẩm thị trường cần nhiều.
Nhấn mạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ mở ra hướng đi mới, hút các doanh nghiệp tư nhân đi vào thị trường, Phó Thủ tướng cho rằng việc xã hội hóa sẽ gỡ được bài toán về vốn, tạo động lực cho ngành cơ khí phát triển hơn bởi với đồng vốn của chính mình bỏ ra, doanh nghiệp sẽ phải tự lo, phải tính đến hiệu quả của từng đồng vốn. Xu hướng là Nhà nước chỉ tạo cơ chế cho doanh nghiệp, hạn chế cho vốn, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong tám ngành công nghiệp cơ khí trọng điểm đã được Thủ tướng phê duyệt, cần đánh giá lại từng ngành, rà lại các sản phẩm cơ khí trọng điểm, sản phẩm nào có thể làm được cần tập trung kêu gọi cả xã h ội đ ầu tư vào.
Phó Thủ tướng chỉ đạo sửa Quyết định 10/2009/QĐ-TTg theo hướng đi từ thị trường đến sản phẩm rồi tới mới cơ chế, tới dự án đầu tư, ngược lại với hiện nay là đi từ dự án đầu tư đến sản phẩm.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương cùng các Bộ, ngành liên quan sửa đổi Quyết định trên theo hướng chỉ khi đã cho cơ chế mà vẫn không làm được sản phẩm mới xem xét, tính toán đến bước hỗ trợ tài chính, hỗ trợ đầu tư.
Việc quy định cho vay vốn ưu đãi chiếm tới 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án như hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp thiếu trách nhiệm. Việc đầu tư phải do doanh nghiệp tự lo.
Phó Thủ tướng nhắc nhở các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cơ khí, đưa vào danh mục các sản phẩm cơ khí đã sản xuất ở trong nước, định hướng cho các nhà đầu tư sử dụng các sản phẩm đã được sản xuất trong nước, quy định chế tài đối với các nhà đầu tư sử dụng sản phẩm nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được./.