Ngày 6/6, đại diện Chính phủ Colombia và nhóm Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập Nhóm các nước hỗ trợ, đồng hành và hợp tác (GPAAC) với Bàn Đối thoại hòa bình công khai giữa 2 bên, hiện đang tiến hành tại Ecuador.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, qua tài khoản trên trang mạng xã hội Twitter, ELN cho biết GPAAC ban đầu sẽ bao gồm Đức, Hà Lan, Italy, Thụy Điển và Thụy Sĩ và hiện tại đã hoàn thành việc xác định các quy chuẩn để định hướng quá trình hòa đàm.
[Colombia: Nhóm ELN bắt cóc tám con tin không tham gia hòa đàm]
Đây là một trong những thỏa thuận mà chính quyền Bogota và ELN đã đạt được trong vòng đàm phán thứ 2, bắt đầu từ ngày 17/5 vừa qua.
Hiện tại các nước bảo trợ cho tiến trình này gồm Brazil, Chile, Cuba, Na Uy và Venezuela.
Cho tới nay, Chính phủ Colombia và ELN đã đạt được đồng thuận về thành lập nhóm làm việc chung về phương pháp và truyền thông về hòa bình, “xây dựng một nền văn hóa hòa bình qua việc tạo niềm tin và uy tín.”
Bên cạnh đó, 2 bên cũng thỏa thuận về việc đặt ra một quỹ chi phí cho đàm phán hòa bình, với mục đích vận động đóng góp và giúp đỡ tài chính quốc tế cho quá trình thương lượng này.
Chính phủ Colombia và ELN bắt đầu tiến hành hồi tháng 2 vừa qua tại Ecuador.
Tiến trình đàm phán này đã được chính thức khởi động hơn 3 năm tiếp xúc bí mật nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột vũ trang tại Colombia kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.
Với cuộc thương lượng này, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos hy vọng có thể đem lại hòa bình dài lâu cho đất nước sau khi đã ký thỏa thuận hòa bình với Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) hồi cuối năm ngoái.
Cuộc nội chiến tại Colombia đã làm 260.000 thiệt mạng, 60.000 người mất tích và khiến 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Đối thoại hòa bình giữa Chính phủ Colombia và ELN diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa hai bên vẫn tiếp diễn.
ELN tiếp tục tấn công hệ thống cơ sở hạ tầng dầu khí và bắt cóc con tin, trong khi quân đội chính phủ vẫn truy quét các tay súng của nhóm vũ trang hiện lớn nhất quốc gia Nam Mỹ này, sau khi FARC ký kết thỏa thuận hòa bình với chính phủ./.