Tiếp sức cho doanh nghiệp từ chính sách giãn thuế và tiền thuê đất

Nghị định 41/2020/NĐ-CP được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá tích cực khi nhiều doanh nghiệp đang khó khăn và gặp nhiều vấn đề về dòng tiền, thanh khoản do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)

Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; trong đó, quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.

Nghị định này được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá tích cực khi nhiều doanh nghiệp đang khó khăn và gặp nhiều vấn đề về dòng tiền, thanh khoản do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Theo ông Nguyễn Đình Tứ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư, Thương mại và Sản xuất Phong Vân, việc Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất là giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết phần nào bài toán về dòng tiền, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Là một doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm may mặc vào các hệ thống siêu thị nội địa, ông Tứ cho biết, kể từ tháng Ba vừa qua, hầu hết các siêu thị đều vắng khách, người dân chủ yếu mua nhu yếu phẩm nên mặt hàng may mặc, thời trang rất “ế ẩm.” Đến tháng Tư, điều này ảnh hưởng rõ rệt lên kết quả kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.

Hiện các doanh nghiệp may mặc đang gặp nhiều khó khăn khi phần lớn phải tạm dừng sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất tối đa vì hàng hóa tiêu thụ chậm cũng như để hỗ trợ phòng chống dịch.

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi trả phí duy trì hoạt động bộ máy, phí thuê mặt bằng, trả lương lao động cùng nhiều loại thuế phí khác, khiến dòng tiền gặp nhiều vấn đề. Do vậy, việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất được xem là biện pháp hỗ trợ kịp thời, “tiếp sức” cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.

Đó là doanh nghiệp may mặc, đối với các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ thì chính sách này càng có ý nghĩa hơn, khi đây là một trong những đối tượng doanh nghiệp được bổ sung mở rộng hưởng lợi trong Dự thảo Nghị định lần hai.

Ông Trần Việt Tiến, Trưởng ban truyền thông Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, cũng như nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu, ngành chế biến xuất khẩu gỗ, nội thất cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch COVID-19, do giảm sút đơn hàng mới, đơn hàng cũ bị hoãn.

Đặc biệt, khi Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của doanh nghiệp Việt phải “phong tỏa” biên giới để đối phó với dịch COVID-19 khiến hoạt động giao thương bị tạm dừng một cách đột ngột.

[Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất]

Kết quả khảo sát doanh nghiệp Hội viên của HAWA cho thấy, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ.

Cụ thể, trong tổng số gần 500 hội viên HAWA, có 73% doanh nghiệp gặp khó khăn như thời gian nhập nguyên liệu lâu hơn, nguồn hàng bị thiếu hụt dần, giá thành tăng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, có tới 59% doanh nghiệp bị giảm đơn hàng và 96% có quan hệ vay vốn ngân hàng và chịu áp lực về lãi vay cũng như thời gian trả nợ.

Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng toàn bộ khách hàng lớn nhỏ đều yêu cầu tạm dừng tất cả các đơn hàng, còn các hãng tàu thì khóa toàn bộ hệ thống không cho lấy container đóng hàng, các container đã hàng đưa đến cảng đều bị trả về. Tình trạng xuất khẩu hàng gỗ hiện nay bị đình trệ rất nghiêm trọng.

“Do số lượng đơn hàng giảm mạnh nên gánh nặng lớn của hầu hết doanh nghiệp gỗ hiện nay là nguồn tiền chi trả lương cho người lao động và duy trì hoạt động thiết yếu của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp mong muốn được giãn hoặc giảm các khoản thuế, tiền thuê đất cùng các loại phí bảo hiểm, lãi ngân hàng để tập trung nguồn lực cầm cự đến lúc dịch bệnh được kiểm soát và thị trường khôi phục. Do vậy, Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp trong thời điểm này,” ông Tiến cho biết.

Chờ chính sách hỗ trợ

Nghị định 41/2020/NĐ-CP hay các gói tín dụng ban hành trong thời điểm hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc “tiếp sức” cho doanh nghiệp sống sót qua đại dịch. Do vậy, các doanh nghiệp khi được hỏi đều mong muốn chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất sớm đi vào thực tiễn; Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế sớm có văn bản hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Theo ông Văn Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp và thương mại Vít Việt, các vấn đề khó khăn trong sản xuất và thu hồi công nợ của doanh nghiệp hiện rất cấp bách. Sản phẩm của công ty thường cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất và điện lạnh.

Trong khi đó, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nội thất không có đơn hàng xuất khẩu, không có doanh thu nên cũng không thanh toán công nợ cho doanh nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp cung ứng như Vít Việt cũng không có tiền mua nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất.

Ngoài các đơn vị sản xuất đồ gỗ, Vít Việt cũng đang cung cấp vật tư cho các doanh nghiệp sản xuất đồ điện lạnh phục vụ các công trình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch bệnh nên các công trình bất động sản bị ngừng trệ thi công, sản phẩm cơ điện lạnh tiêu thụ chậm nên đầu ra cho sản phẩm cũng bị giảm theo.

Tiếp sức cho doanh nghiệp từ chính sách giãn thuế và tiền thuê đất ảnh 1Sản xuất đồ điện gia dụng tại Công ty TNHH Điện cơ AIDI Khu công nghiệp Gia Lễ ,thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết và kịp thời chính sách hỗ trợ thuế theo Nghị định 41 và tín dụng càng sớm càng tốt cho doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch COVID-19.

Bởi nếu chậm trễ, các doanh nghiệp nhỏ rất khó xoay sở trong thời gian dài, có khả năng bị loại khỏi thị trường. Đến khi hết dịch bệnh, khi nhu cầu thị trường ấm lại thì nhiều doanh nghiệp không còn đủ khả năng để sản xuất, bỏ mất cơ hội kinh doanh,” ông Vũ nói.

Cũng cùng quan điểm trên, ông Trần Việt Tiến cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được triển khai càng nhanh càng tốt. Bởi giai đoạn này doanh nghiệp đang rơi vào tình thế chới với, cần được “cấp cứu” nhanh để có thể cầm cự qua thời gian khó khăn.

Nếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến muộn thì chẳng khác nào “đưa phao cho người chết đuối,” vì doanh nghiệp chế biến gỗ khi đã dừng hoạt động, cho công nhân nghỉ việc khi quay lại rất khó để tuyển dụng lao động, việc đón nhận đơn hàng cũng không dễ dàng.

Theo ông Trần Việt Tiến, mặc dù đang gặp khó khăn nhưng khả năng phục hồi của thị trường tiêu dùng đồ gỗ, nội thất sẽ khá nhanh. Đồng nghĩa với việc khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì làn sóng đặt hàng mới sẽ tiếp tục. Trong bối cảnh đó, nếu doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường ở giai đoạn hiện nay, sẽ rất khó đón đầu các đơn hàng mới, ngành gỗ Việt Nam sẽ vuột mất cơ hội gia tăng thị phần và khẳng định vị thế.

Từ thực tế của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp, Hiệp hội cũng kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2020 đối với các nhóm doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề từ dịch COVID-19, thay vì chỉ 5 tháng như quy định Nghị định 41/2020/NĐ-CP.

Đồng thời, cho phép giảm giá thuê đất cho các đối tượng áp dụng của Nghị định xuống từ 20-40% và kéo dài thời hạn thuê thêm ít nhất 6-12 tháng đối với các kỳ hạn thuê đất ngắn hạn, để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn và yên tâm sản xuất kinh doanh cũng như có đủ thời gian phục hồi sản xuất sau đại dịch…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục