Tiếp tục cuộc chiến hàn gắn vết thương da cam

Theo chuyên gia Mỹ, hơn 30 năm sau chiến tranh, một cuộc chiến khác vẫn tiếp tục ở Việt Nam để giúp nạn nhân chất độc da cam.
Trong cuộc hội thảo về chất độc da cam vừa được tổ chức ở Mỹ, một số chuyên gia Mỹ cho rằng hơn 30 năm sau khi bom đạn ngừng trút xuống Việt Nam, một cuộc chiến khác vẫn tiếp tục ở đất nước này để giúp những người chịu ảnh hưởng của chất độc da cam.

Trong hội thảo tổ chức ngày 16/2 tại Trường Đại học bang North Carolina, ông Charles Bailey, Giám đốc phụ trách Sáng kiến Đặc biệt về Chất độc da cam/dioxin thuộc Quỹ Ford, nói rằng chất độc da cam là một hóa chất diệt cỏ song có chứa chất độc làm hại thần kinh, và quân đội Mỹ đã rải chất độc này xuống các cánh rừng của Việt Nam để ngăn chặn hoạt động của du kích Việt Nam.

Ông Bailey cho rằng nếu dùng chất diệt cỏ để diệt cây cối thì chất này cũng nhiễm vào đất và mọi thứ sẽ rất khó phát triển tại các vùng này.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho biết các vấn đề về sức khỏe và môi trường do ảnh hưởng của chất độc da cam đang ảnh hưởng tới khoảng 3 triệu người Việt Nam, trong đó có 150.000 trẻ em.

Họ cũng nhắc lại kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy kể từ sau khi cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại Việt Nam kết thúc vào năm 1975, nhiều trẻ em Việt Nam bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và có triệu chứng của bệnh Down khi mới sinh ra.

Ông Bob Edgar, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Common Cause của Mỹ nói: "Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc kể cả sau khi những người lính cuối cùng đã rời khỏi chiến trường."

Là một hạ nghị sỹ vào thời điểm cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc, ông Edgar đã trình lên Quốc hội Mỹ một dự luật nhằm giúp cựu chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Hiện nay, ông đang tập trung vào vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam.

Báo điện tử WRAL.com của bang North Carolina trong một bài viết đưa lên mạng http://www.wral.com ngày 16/2, trích lời ông Edgar nói rằng ông đã tận mắt nhìn thấy những người ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dị tật bẩm sinh, tật nứt đốt sống, sứt môi, hở hàm ếch và những dị tật không thể tưởng tượng nổi.

Theo bài báo này, một số tổ chức của Mỹ, bao gồm cả Quỹ Ford và tổ chức Common Cause, đang tiến hành các bước để quyên góp 30 triệu USD/năm trong vòng 10 năm, nhằm tẩy rửa các vùng bị nhiễm chất độc da cam và cung cấp dịch vụ y tế cho các gia đình và trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc da cam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục