Tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

Chiều 16/10, tiếp tục phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 16/10, tiếp tục phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Sau thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội kết quả việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử và kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách này. Theo quy định tại Nghị quyết số 30/2016/QH14, việc thí điểm cấp thị thực điện tử sẽ kết thúc từ ngày 1 tháng 2 năm 2019.

Theo báo cáo, từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/8/2018 đã cấp 298.113 thị thực điện tử cho người nước ngoài, trong đó: 289.507 lượt người nước ngoài tự làm thủ tục; 8.606 lượt người nước ngoài thông qua cơ quan, doanh nghiệp mời, bảo lãnh đề nghị cấp thị thực điện tử. Đến ngày 31/8/2018 có 241.875 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử.

[Việc cấp thị thực điện tử đảm bảo an ninh, thuận tiện và minh bạch]

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đạt được các yêu cầu mà Quốc hội đề ra, khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước.

Kết quả tổng kết cho thấy, về kinh tế-xã hội, chính sách cấp thị thực điện tử đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch.

Về đối ngoại, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam đánh giá cao chính sách cấp thị thực điện tử của Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia trong giai đoạn hội nhập, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

"Cần tiếp tục thực hiện thí điểm để có cơ sở đánh giá toàn diện tác động của chính sách trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; khắc phục một số hạn chế, tồn tại trong thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, như số lượng người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử còn chưa nhiều, do công tác tuyên truyền chưa thực sự đạt hiệu quả, một số quốc gia có số lượt người nhập cảnh Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhưng chưa được áp dụng cấp thị thực điện tử. Có người nước ngoài có nhu cầu cấp thị thực điện tử nhưng nhập cảnh qua cửa khẩu khác so với danh sách cửa khẩu cho phép," Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Việc ban hành Nghị quyết để tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là cần thiết nhằm có thêm thời gian triển khai trong thực tế, đánh giá toàn diện, đầy đủ, từ đó hoàn thiện quy định về cấp thị thực điện tử khi sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về góc độ kinh tế-xã hội, nếu không tiếp tục thực hiện cấp thị thực điện tử sẽ gây lãng phí trong quản lý vì không tận dụng nguồn lực về công nghệ thông tin, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến các cơ quan, tổ chức đã đăng ký tài khoản để thực hiện thủ tục cấp thị thực điện tử.

Tại phiên họp, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đề nghị, cùng với việc thực hiện thí điểm, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan hữu quan sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có báo cáo với Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; cho phép sửa đổi luật theo hướng rút gọn tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội nhằm bổ sung nội dung về cấp thị thực điện tử, sớm kết thúc thí điểm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tiếp tục thực hiện chính sách này là cần thiết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Quốc hội; thống nhất kéo dài thực hiện thí điểm trong 2 năm. Trong thời gian này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chuẩn bị việc sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để trình Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục