Tín hiệu tốt cho đầu ra hạt mắcca của nông dân Tây Nguyên

Hiện nay, tới thăm các trang trại trồng mắcca có thể thấy người nông dân đang thực sự hưởng niềm vui thành quả sau một thời gian dành tâm huyết cho giống cây mới.
Tín hiệu tốt cho đầu ra hạt mắcca của nông dân Tây Nguyên ảnh 1Ông Nguyễn Đức Ba bên vườn mắcca của gia đình. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Những vấn đề xung quanh việc trồng và phát triển cây mắcca, lợi ích kinh tế, cũng như hướng đi, đầu ra tại thị trường Việt Nam cho nông dân đang dần được giải tỏa.

Hiện nay, tới thăm các trang trại trồng mắcca có thể thấy người nông dân đang thực sự hưởng niềm vui "trái ngọt" sau một thời gian dành tâm huyết cho giống cây mới.

Trang trại của ông Nguyễn Đức Ba (thị trấn Thanh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng) được đánh giá là mô hình trồng cây mắcca thành công.

Tiếp xúc với ông Nguyễn Đức Ba, có thể cảm nhận được niềm vui của một người nông dân đang kỳ vọng vào loạt hạt có thể giúp “đổi đời.”

“Gia đình có vườn mắcca rộng khoảng 8.000m2, mỗi năm thu hoạch 4 tấn hạt, bán với giá 250.000 đồng một kg. Loại hạt tuyển (từ 40-60 hạt/kg) được bán để làm giống, số còn lại bán cho cơ sở sơ chế. Lượng mắcca thu hoạch không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ ngày trồng mắcca cuộc sống gia đình sung túc lên hẳn. Cây mắcca đã đổi đời cho gia đình,” ông Ba hồ hởi kể.

Đây là trang trại sử dụng nguồn giống và kỹ thuật chọn lọc từ Mỹ. Đến nay, những cây mắcca của trang trại này đã được 10 năm tuổi và đem lại sản lượng hạt rất lớn (25kg hạt/ cây so với mức trung bình khoảng 10kg hạt/cây).

Theo ông Ba, mắcca là cây thụ phấn chéo nên muốn tăng năng suất, sản lượng phải trồng 3-4 giống mắc ca khác nhau trong vườn. Ban đầu ông trồng xen mắcca trong vườn chuối mà mắc ca trồng xen có nhược điểm lên rất cao. Cây cao vống thì khả năng ra trái thấp, do đó trong ba năm đầu phải bấm ngọn, tỉa cành, tạo tán.

|

Ông dày công tìm hiểu cách bón phân, tưới nước sao cho đúng liều lượng và đúng thời điểm để kích thích sinh trưởng, tăng kích cỡ quả.

Trong suốt 5 năm qua, ông Ba đã chuyển giao giống và kỹ thuật trồng cho những người nông dân có nhu cầu và đã tìm đến trang trại của ông để học hỏi. Hiện, những vườn cây mắcca sử dụng giống và được chuyển giao kỹ thuật của nông dân Nguyễn Đức Ba đã bắt đầu cho trái và vẫn được tiếp tục theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật từ xa. Dự tính sản lượng hạt của các vườn này sẽ tăng dần theo năm.

Phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia hàng đầu về cây mắcca chia sẻ: “Ở vườn nhà ông Ba, có những chùm quả mà tôi đếm có tới 32 quả mắc ca. Đó là một thành công tuyệt vời mà chúng tôi mong muốn đạt được tại các trang trại trồng mắcca. Phải có những người dám làm, dám đi trước để chúng ta có động lực phát triển mạnh mẽ cây mắcca trở thành một trong những cây công nghiệp chiến lược của quốc gia.”

Đến xã Tà Nung, huyện lâm Hà, Lâm Đồng, nông dân Chu Văn Trịnh ngụ ở thôn 6 cho biết, nhiều hộ trong xã Tà Nung đã trồng 20ha cây mắcca từ giống vườn ông Nguyễn Đức Ba, đang băn khoăn về đầu ra của sản phẩm. Đây là yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến nguồn thu nhập ổn định của bà con nông dân. Ông Trịnh cũng kỳ vọng trồng cây mắcca “đổi đời” cho nông dân trong vùng.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bà Phạm Thùy Linh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Chuỗi Giá trị Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) muốn nhắn gửi một thông điệp về Dự án “Xúc tiến chuỗi giá trị Việt,” đó là nâng cao chuỗi giá trị của hạt mắcca Việt Nam để từ đó có thể giúp những nông dân mong muốn trồng cây mắcca và xây dựng nguồn nguyên liệu chất lượng cao trong nước.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Bảo Châu, Giám đốc Công ty Mắcca Đại Việt cam kết sẵn sàng đảm bảo đầu ra cho hạt mắcca của nông dân (bao gồm cả những trang trại đã phát triển giống mắcca từ vườn thực nghiệm của ông Nguyễn Đức Ba và những trang trại không dùng giống từ vườn thực nghiệm này).

Với mục đích để nông dân yên tâm trồng và phát triển hạt mắcca chất lượng cao "Made in Vietnam," bà Nguyễn Bảo Châu khẳng định, từ nay đến 2020, công ty Mắcca Đại Việt sẽ hỗ trợ cung cấp giống, kỹ thuật cho các hộ nông dân có nhu cầu trồng cây mắc ca và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật và mắt ghép để cải tạo các vườn mắc ca đã trồng nhưng chưa thực sự hiệu quả, góp phần phát triển và cải tạo nguồn giống macadamia tại Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Với loại cây mắcca, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành khảo nghiệm trồng từ năm 1994. Sau 20 năm theo dõi, Việt Nam có thể trồng cây mắcca ở nhiều vùng, đặc biệt là Tây Nguyên và Tây Bắc.

Tuy nhiên, để phát triển cây mắcca phải tuân thủ các quy trình rất chặt chẽ về kỹ thuật, trong đó đặc biệt là về giống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khảo nghiệm và công nhận 10 giống. Trước mắt đến năm 2020, cả nước phát triển khoảng 10.000ha cây mắcca.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục