Năm 2023 là một năm mà việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước đã được đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh việc tinh giản biên chế linh hoạt hơn, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế với một số bộ, ngành do được giao thêm nhiệm vụ.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Nội vụ tổ chức hôm nay, 20/12, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong năm 2023, Bộ Nội vụ đã tiếp tục tham mưu Chính phủ đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập. Sắp xếp tổ chức hành chính bên trong cơ quan chuyên môn ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã cơ bản hoàn thành và tiếp tục đổi mới sắp xếp tinh gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa đối với các dịch vụ công.
“Bộ nội vụ đang tập trung hướng dẫn, hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức,” Bộ trưởng Phạm Thị Thành Trà nói.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người, trong đó trung ương 146 người; địa phương 7.005 người).
Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giao biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách trong đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành giai đoạn 2022-2026. Bộ Nội vụ hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện trình tự phê duyệt, giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương theo quy định.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đồng thời xác định đối tượng và thực hiện chính sách tinh giản biên chế linh hoạt, hợp lý hơn.
Bên cạnh tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ cũng báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ kết quả rà soát số liệu biên chế viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm là công chức tại các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh, bổ sung biên chế với một số bộ, ngành do được giao thêm nhiệm vụ. Theo đó, đã bổ sung gần 10.500 biên chế công chức cấp xã, bổ sung trên 28.700 biên chế giáo viên cho các địa phương.
Về sắp xếp bộ máy tổ chức, dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021 (tương ứng giảm 13,53%); đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63% (tăng 24% so với năm 2021).
Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện trong cả nước; đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập; riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị, còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2022 có 46.621 đơn vị).
Nghị quyết Quốc hội tập trung vào tiền lương, tinh giản biên chế
Nghị quyết của Quốc hội tập trung vào 21 lĩnh vực trong đó có nội dung liên quan đến chính sách tiền lương, chế độ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, khó khăn vướng mắc từ thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tham mưu thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền ở bộ, ngành, địa phương vẫn nhiều bất cập. Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới của ngành Nội vụ là rất nặng nề đòi hỏi cần hân tích, đánh giá làm sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học và nguyên nhân để có giải pháp thiết thực, hiệu quả./.