Tình hình COVID-19: Thế giới ghi nhận gần 226,3 triệu ca mắc

Tính đến thời điểm này, toàn thế giới đã ghi nhận 226.291.713 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.656.059 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Miami, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Miami, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h00 ngày 14/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 226.291.713 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.656.059 ca tử vong.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 202.950.405 người.

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức khó lường, do sự hoành hành của biến thể Delta cùng nguy cơ có thể có thêm nhiều biến thể mới xuất hiện trong thời gian tới, nhiều nước trên thế giới đã chuyển từ phương châm phòng, chống dịch bệnh sang chiến lược sống chung an toàn với COVID-19.

Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nề nhất thế giới bởi dịch bệnh với 680.282 ca tử vong trong tổng số 42.140.770 ca mắc, nhiều phụ huynh bày tỏ quan ngại về điều kiện đảm bảo an toàn cho con em mình trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lây lan mạnh.

Do đó, nhiều phụ huynh, người lao động, thậm chí cả trẻ em đã tuần hành từ tòa thị chính thành phố New York đến công viên Washington Square, nhằm kêu gọi việc học tập trực tuyến và áp dụng các điều kiện học tập an toàn.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng đưa một số quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tại khu vực biển Caribe và Ấn Độ Dương, vào danh sách các địa điểm có nguy cơ "rất cao" do COVID-19 đối với hoạt động đi lại, trong đó có Grenada, Mauritius, Albania và Slovenia.

Tại Đông Nam Á, Chính phủ Indonesia đã công bố 3 chiến lược trọng tâm hiện nay để sống chung với đại dịch COVID-19 gồm nâng tỷ lệ bao phủ vaccine, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi; đẩy mạnh xét nghiệm, truy tìm, điều trị; tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc y tế, bao gồm 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách) và thực hiện sàng lọc thông qua ứng dụng khai báo y tế trực tuyến PeduliLindungi.

Bộ trưởng Luhut lưu ý nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh vẫn còn thấp, 3 chiến lược chính này sẽ được bổ sung bằng các hạn chế xã hội, ví dụ như thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 như hiện nay.

Đối với du khách nhập cảnh, Indonesia đã siết chặt thêm các biện pháp kiểm dịch. Theo đó, du khách nhập cảnh phải tiêm vaccine đầy đủ phòng ngừa COVID-19 và phải thực hiện 3 xét nghiệm PCR.

Indonesia đã ghi nhận thêm 4.128 ca mắc và 250 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay lên 4.174.276 ca và 139.415 ca.

Từ ngày 16/9 tới, vùng thủ đô Manila của Philippines sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế trên diện rộng vì dịch bệnh COVID-19 nữa, thay vào đó chính phủ sẽ tiến hành thí điểm phong tỏa theo từng khu vực có dịch.

Đây được xem là một trong những nỗ lực của Chính phủ Philippines nhằm vừa chống dịch vừa mở cửa trở lại nền kinh tế.

Sự thay đổi trong chiến lược chống dịch của Chính phủ Philippines có thể sớm cho phép học sinh đến trường ở mức hạn chế, đồng thời mở cửa trở lại các cơ sở giải trí trong không gian kín tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm thấp và bệnh viện đủ khả năng ứng phó với tình hình.

[Tổng thống Nga tự cách ly vì thành viên đoàn tháp tùng nhiễm COVID-19]

Cùng ngày, Bộ Lao động Thái Lan cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu lao động trở lại, nhưng sẽ phải trả chi phí liên quan đến giám sát phòng, chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) bày tỏ lo ngại về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh khi những hạn chế được dỡ bỏ và người dân hạ thấp cảnh giác.

Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết các biện pháp kiềm chế COVID-19 đã được điều chỉnh để cho phép một số doanh nghiệp và hoạt động kinh tế có cơ hội hoạt động trở lại.

Tình hình COVID-19: Thế giới ghi nhận gần 226,3 triệu ca mắc ảnh 1Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, các đám tang cùng với những sự kiện tiếp thị và bán hàng là những điểm nóng về lây nhiễm, vì những người tham dự không thực hiện giãn cách xã hội thích hợp.

Các quy tắc giám sát sức khỏe nghiêm ngặt phải được duy trì ít nhất cho đến cuối tháng này, trong khi số ca nhiễm mới hàng ngày trên toàn quốc vẫn ở trên ngưỡng 10.000 ca.

Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 11.786 ca mới cùng 136 ca tử vong, đưa tổng số các ca nhiễm ở nước này từ đầu mùa dịch lên hơn 1,406 triệu ca, trong đó có 14.631 người không qua khỏi.

Còn ở Campuchia, đa số trường trung học tại thủ đô Phnom Penh sẽ mở cửa trở lại theo đúng kế hoạch vào ngày 15/9. Trước đó, chính quyền thành phố đã làm vệ sinh và khử khuẩn xong toàn bộ 68 trường công lập và các cơ sở giáo dục tư nhân.

Sau khi đã đánh giá kỹ công tác chuẩn bị của các trường trên địa bàn, Đô trưởng Phnom Penh, ông Khuong Sreng nhấn mạnh rằng các trường phải thực hiện nghiêm ngặt những tiêu chuẩn phòng dịch, hoặc sẽ không được phép mở cửa trở lại bởi ưu tiên cao nhất của chính quyền thủ đô Phnom Penh là an toàn sức khỏe cho các thầy cô, nhân viên ngành giáo dục và các học sinh.

Ông Khuong Sreng lưu ý thêm rằng toàn bộ ban giám hiệu các trường trung học phải được sự chấp thuận của chính quyền sở tại trước khi mở cửa đón học sinh.

Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ hơn nữa các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã được khuyến cáo. Bên cạnh đó, Chính phủ Lào yêu cầu chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp cơ quan y tế và tổ chức xã hội tiếp tục tăng cường truy vết người mắc COVID-19 trong cộng đồng để đưa đi điều trị.

Nước này ghi nhận 127 ca mắc COVID-19 mới, với 54 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca tại Lào là 17.682 ca, trong đó 16 ca tử vong.

Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern đã kêu gọi người dân nước này tiêm vaccine phòng COVID-19 càng sớm càng tốt, khẳng định đây là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh và là cơ sở để nới lỏng các lệnh hạn chế tại Auckland - thành phố lớn nhất nước này.

Theo bà Ardern, vaccine là công cụ tốt nhất hiện có để ngăn chặn đại dịch và là "tấm vé" để người dân trở lại cuộc sống tự do. New Zealand ghi nhận 15 ca mắc mới COVID-19, giảm hơn một nửa so với 33 ca ghi nhận ngày 13/9.

Tuy nhiên, khoảng 1,7 triệu dân tại Auckland sẽ tiếp tục thực hiện lệnh phong tỏa cho đến tuần tới, trong bối cảnh chính phủ nỗ lực kiểm soát ổ lây nhiễm biến thể Delta.

Trong khi đó, giới chức Australia tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh đối với thủ đô Canberra cho đến giữa tháng 10 tới, đồng thời nhấn mạnh đây là biện pháp cần thiết trong khi chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được đẩy mạnh.

Thống đốc Vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia, ông Andrew Barr, nêu rõ nhà chức trách mong muốn hạn chế số ca lây nhiễm trong khi đảm bảo rằng thủ đô Canberra có tỷ lệ người dân được tiêm phòng ở mức cao. "Đây là hướng đi an toàn nhất và sẽ đưa đến một Giáng sinh an lành hơn, một kỳ nghỉ Hè an toàn hơn và một năm 2022 bình an hơn.”

Khoảng 400.000 cư dân Canberra đã thực thi chỉ thị ở nhà kể từ ngày 12/8, khi thành phố ghi nhận 1 ca mắc COVID-19. Hiện chỉ còn hơn 250 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại đây.

Tại châu Âu, Italy sẽ triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba từ ngày 20/9 tới, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất, ví dụ như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết chính phủ nước này cũng đã chấp thuận khuyến nghị từ giới chức y tế rằng những người dễ bị tổn thương và người trên 50 tuổi cần được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường.

Bộ trưởng Javid nhấn mạnh việc triển khai tiêm liều bổ sung là một phần trong kế hoạch nhằm tăng cường khả năng bảo vệ của vaccine qua mùa Đông tới.

Theo ông, cũng giống như nhiều loại vaccine khác, hiệu quả phòng bệnh của vaccine ngừa COVID-19 cũng giảm theo thời gian, nhất là ở nhóm người già có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Do đó, việc triển khai tiêm liều tăng cường là biện pháp quan trọng nhằm kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian dài.

Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng của các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay đủ để không cần phải tiêm mũi thứ ba.

Tại Nga, Tổng thống nước này Vladimir Putin đang tự cách ly như biện pháp phòng ngừa, sau khi một số thành viên trong đoàn tháp tùng ông được xác nhận mắc COVID-19.

Tuy nhiên, theo Điện Kremlin, hiện Tổng thống Putin hoàn toàn khỏe mạnh và bản thân không mắc COVID-19. Vì đang tự cách ly, nên Tổng thống Putin sẽ không đến Tajikistan tham dự các cuộc họp an ninh khu vực trong tuần này, thay vào đó sẽ tham dự hội nghị trực tuyến.

Việc Tổng thống Putin tự cách ly sẽ không ảnh hưởng đến công việc của ông. Các cuộc họp trực tiếp sẽ bị hủy bỏ, thay vào đó là các cuộc họp trực tuyến.

Trong bối cảnh liên tục xuất hiện nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cam kết hỗ trợ các nước châu Phi nỗ lực mở rộng việc giải mã gene để phát hiện sớm và theo dõi các biến thể COVID-19 mới, qua đó có thể nhanh chóng đưa ra phản ứng phù hợp và hiệu quả.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn gây lo ngại trong công chúng, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) của Mỹ phát hiện chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc COVID-19 cũng như mức độ nghiêm trọng nếu mắc bệnh. Theo đó, những người có chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực vật có ít nguy cơ mắc COVID-19 hơn và nếu mắc thì các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với những người khác.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị thực hiện chế độ ăn lành mạnh để giảm nguy cơ mắc COVID-19 hoặc bệnh chuyển biến nặng nếu mắc.

Theo các nhà nghiên cứu, việc cải thiện khả năng tiếp cận thực phẩm lành mạnh và thực hiện các chính sách nhằm giải quyết các yếu tố xã hội có thể tác động đến sức khỏe có thể giúp giảm gánh nặng của đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục