Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước châu Phi và Trung Đông

Ai Cập có thể sẽ giảm số lượng nhân viên làm việc trực tiếp tại các cơ quan nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, trong khi đó gần 2.000 máy trợ thở được quốc tế viện trợ đã về đến Iran.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước châu Phi và Trung Đông ảnh 1Kiểm tra thân nhiệt của các hành khách tại sân bay Cairo, Ai Cập. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, thông báo của Bộ Y tế Ai Cập ngày 16/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 40 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong do COVID-19.

Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập đã lên đến 166 người và có 4 trường hợp tử vong, trong khi 26 ca đã điều trị khỏi hoàn toàn và được xuất viện.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, trong số những trường hợp mới phát hiện nêu trên có 35 công dân Ai Cập và 5 người nước ngoài quốc tịch khác nhau.

Cũng trong ngày 16/3, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho biết tất cả các khách sạn và địa điểm thu hút khách du lịch ở nước này sẽ được khử trùng trong vòng 2 tuần tới.

Ông Madbouly cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, hành động có trách nhiệm và không đánh giá thấp “cuộc khủng hoảng toàn cầu” này.

[Đã có 821 người mắc COVID-19 ở Nhật Bản, Kyrgyzstan đóng cửa biên giới]

Theo Thủ tướng Mostafa Madbouly, quyết định của Chính phủ Ai Cập nhằm đối phó với dịch COVID-19 sẽ để lại những hậu quả kinh tế, song ưu tiên quốc gia hàng đầu là bảo vệ người dân.

Ông đồng thời cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung lương thực-thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian dịch bệnh hoành hành.

Theo truyền thông địa phương, hiện Chính phủ Ai Cập đang xem xét để ra quyết định về việc giảm số lượng nhân viên làm việc trực tiếp tại các cơ quan nhà nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Trước đó, Cairo cũng đã tiến hành các biện pháp phòng dịch như cho học sinh và sinh viên trên toàn quốc nghỉ học tạm thời, đình chỉ mọi hoạt động thể thao trong vòng 2 tuần và ngừng toàn bộ các tuyến bay quốc tế trong thời gian từ trưa 19/3 tới ngày 31/3 tới.

Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật Ai Cập Khaled El-Anany ngày 16/3 cho biết ngành du lịch của quốc gia Bắc Phi này có thể thiệt hại khoảng 1 tỷ USD/tháng sau quyết định đình chỉ các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Ai Cập, song đảm bảo sức khỏe của người dân hiện là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.

Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) cùng ngày thông báo hạ 3 điểm phần trăm lãi suất cơ bản xuống ngưỡng 9,75%.

Đây là đợt cắt giảm lãi suất lớn nhất kể từ khi Ai Cập thả nổi đồng nội tệ hồi tháng 11/2016.

Theo CBE, động thái này nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong nước, ứng phó với những thách thức từ môi trường toàn cầu. CBE khẳng định sẽ tiếp tục theo sát các diễn biến kinh tế và sẵn sàng đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm ổn định tình hình kinh tế Ai Cập trong trung hạn.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Bộ Y tế Algeria tối 16/3 đã xác nhận thêm 6 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này.

Trong số 6 trường hợp này, 2 người đang sinh sống ở thủ đô Algiers, 1 người ở tỉnh Bouira, 1 người ở tỉnh Bordj Bou-Arreridj, 1 người ở Tizi-Ouzou và 1 người ở Annaba.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Algeria. Đến nay, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này là 60 trường hợp, trong đó có 4 ca tử vong.

Từ tâm dịch ban đầu là tỉnh Blida, cách thủ đô Algiers khoảng 40km, hiện một loạt tỉnh, thành phố khác ở Algeria - gồm Blida, Algiers, Tizi-Ouzou, Souk Ahras, Guelma, Adrar, Bouira, Bordj Bou-Arreridj, Annaba - đã phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Cơ quan chức năng Algeria cho biết đang tiến hành các điều tra dịch tễ học để xác định và truy tìm tất cả những người tiếp xúc với các trường hợp nhiễm bệnh. Hệ thống giám sát và cảnh bảo tại chỗ vẫn đang được duy trì ở mức độ cao nhất.

Cũng trong ngày 16/3, Chính phủ Algeria quyết định  kể từ ngày 19/3 tạm dừng khai thác các chuyến bay và vận tải hành khách bằng đường biển đến châu Âu và theo chiều ngược lại.

Các chuyến bay thương mại đến và đi từ Tunis (Tunisia), Cairo (Ai Cập), Dubai (UAE), Doha (Qatar) và Amman (Jordan) cũng hoãn kể từ ngày 17/3 cho đến khi có thông báo mới.

Giới chức y tế Qatar ngày 16/3 đã xác nhận thêm 38 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 439 trường hợp.

Bộ Y tế Công cộng Qatar cho biết hầu hết các ca nhiễm mới nêu trên là những trường hợp đã tiếp xúc bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 3 công dân Qatar mới về nước sau khi du lịch tới Anh, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.

Trước đó, nhà chức trách Qatar thông báo nước này sẽ cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài trong thời gian 2 tuần, bắt đầu từ ngày 18/3.

Cũng trong ngày 16/3, Chính phủ Jordan bắt đầu áp dụng quy định cách ly bắt buộc đối với tất cả những người tới nước này bằng đường hàng không và qua các cửa khẩu biên giới nhằm kiểm soát dịch COVID-19 và bảo đảm sức khỏe cho người dân Jordan.

Hiện, Jordan đã ghi nhận 18 ca mắc COVID-19.

Trong khi đó, trang mạng Al Arabiya đưa tin Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã điều 2 máy bay chở các vật tư y tế cần thiết tới Iran để hỗ trợ quốc gia Hồi giáo này chống dịch COVID-19.

Theo Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE, 2 máy bay chở hàng cứu trợ đã cất cánh từ Abu Dhabi ngày 16/3, mang theo 32 tấn hàng gồm hàng nghìn đôi găng tay, khẩu trang và thiết bị bảo hộ. Đây là đợt viện trợ nhân đạo thứ hai của UAE dành cho Iran trong những ngày gần đây.

Về phía Iran, hải quan nước này này 16/3 xác nhận gần 2.000 máy trợ thở được quốc tế viện trợ đã về đến nước này giúp các bệnh viện tăng khả năng điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Chính phủ Iran ngày 16/3 đã nhất trí chi thêm 250 triệu USD để nhập khẩu thuốc và thiết bị y tế trong bối cảnh Tehran nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới gần 15.000 người dân nước này.

Theo hãng thông tấn chính thức IRNA, Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) đã “bật đèn xanh” cho khoản tín dụng khẩn cấp trên sau cuộc họp trước đó cùng ngày với các cơ quan y tế của nước này.

CBI sẽ đảm bảo giải ngân khoản tín dụng 250 triệu USD ngay khi có đề nghị của Bộ Y tế Iran và các cơ quan hữu quan khác về việc nhập khẩu thuốc và thiết bị y tế.

CBI đồng ý chi khoản tiền trên bất chấp những khó khăn về tài chính mà chính quyền Tehran đang phải đối mặt do hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước châu Phi và Trung Đông ảnh 2Bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Tehran, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới chức Iran nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Washington đang cản trở các nỗ lực chống dịch COVID-19 của nước này.

Trong khi đó, Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, cảnh sát Israel đang tăng cường ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 bằng việc giám sát quy định hạn chế các cuộc tụ tập đông người và yêu cầu những người đang tham gia cách ly tuân thủ quy định.

Tính đến nay, cảnh sát Israel đã tiến hành 21 cuộc điều tra hình sự đối với các trường hợp vi phạm lệnh cách ly.

Kể từ ngày 9/3 vừa qua, tất cả những người nhập cảnh Israel đều phải tự cách ly trong vòng 14 ngày. Yêu cầu cách ly áp dụng đối với cả công dân Israel và du khách nước ngoài. Những người không mang quốc tịch Israel muốn nhập cảnh nước này cần chứng minh họ có nơi để tự cách ly.

Ngày 15/3, giới chức Israel đã ban hành một loạt quy định khẩn cấp nhằm đối phó với sự bùng phát dịch COVID-19, trong đó những đối tượng bị phát hiện vi phạm các quy định kiểm dịch sẽ bị phạt tiền tương đương 1.388 USD.

Tính đến hết ngày 16/3, Israel ghi nhận 277 ca mắc COVID-19, trong đó 2 người đang trong tình trạng nguy kịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục