Tinh thần cộng đồng và chủ nghĩa dân tộc - tác động 2 mặt của COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy tinh thần cộng đồng khiến con người bớt ích kỷ, muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội; mặt khác nó cũng khiến con người ngờ vực và ít khoan dung hơn với quan điểm khác biệt.
Máy bay quân sự của Mỹ vận chuyển 150 máy thở hỗ trợ Nga điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay quân sự của Mỹ vận chuyển 150 máy thở hỗ trợ Nga điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thúc đẩy cả chủ nghĩa dân tộc lẫn tinh thần cộng đồng, kéo theo những thay đổi trong thái độ của công chúng không dễ gì mất đi trong hàng năm trời.

Đây là thông tin do hãng nghiên cứu Glocalities của Hà Lan đưa ra ngày 11/6.

Glocalities đã thực hiện hai cuộc khảo sát với 4.271 người tại 6 quốc gia bao gồm Italy, Mỹ, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc và Brazil.

Cuộc khảo sát thứ nhất diễn ra trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh và cuộc khảo sát thứ hai được thực hiện trong thời kỳ hầu hết các nước đang phong tỏa.

Kết quả cho thấy số người tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng tại Italy đã tăng 10%.

Con số này ở Mỹ, Anh và Hà Lan là 9%, ở Hàn Quốc là 6%, trong khi giữ nguyên không đổi tại Brazil.

Theo các nhà nghiên cứu, xu hướng mạnh mẽ này rất hiếm thấy, bởi thường phải mất nhiều năm mới có được những thay đổi lớn như vậy.

Lý giải cho điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng khi phải đối mặt với mối đe dọa y tế chung và bị cách ly khỏi xã hội trong bối cảnh phong tỏa toàn cầu, con người sẽ tập trung hơn vào những mối quan hệ sát sườn và những người thân cận.

Họ trở nên bớt ích kỷ hơn và mong muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Công chúng nâng cao nhận thức về những thay đổi trong cộng đồng và ngày càng có cái nhìn khắt khe hơn về chủ đề này.

Đại dịch tạo ra nhiều cơ hội để thay đổi và thúc đẩy những đổi thay đó.

[Đại dịch COVID-19 là 'hồi chuông cảnh tỉnh' đối với hợp tác đa phương]

Mặt khác, đại dịch cũng khiến con người sống khép mình hơn, do đó thúc đẩy xu hướng nghiêng về chủ nghĩa dân tộc vốn đã hiện hữu từ trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng COVID-19.

Con người trở nên ngờ vực người khác hơn và ít khoan dung hơn với các quan điểm khác biệt.

Người dân gia tăng niềm tin vào các chính phủ, trong khi đánh mất niềm tin vào các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng sự cởi mở và chủ nghĩa quốc tế suy giảm đã thúc đẩy phản kháng từ những người có quan điểm toàn cầu hoặc theo chủ nghĩa quân bình.

Điều này tạo nên mảnh đất màu mỡ cho các phong trào hoạt động xã hội như phong trào Black Lives Matter chống phân biệt chủng tộc với người da màu.

Cần lưu ý là mặc dù Glocalities thực hiện nghiên cứu này trước khi các cuộc biểu tình chống phân biệt đối xử nổ ra trên toàn cầu sau cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd tại Mỹ, kết luận của cuộc khảo sát vẫn phản ánh đúng tình hình thực tế trên thế giới.

Ngoài ra, khảo sát của Glocalities cũng chỉ ra rằng công chúng đang gia tăng niềm tin vào khoa học nói riêng và giáo dục nói chung, do nhận thức được rằng cuộc sống của con người phụ thuộc vào khoa học.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng con người đang sống trong một thời kỳ đặc biệt đòi hỏi minh bạch và trung thực hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục