Tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược

Trong Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực FDI từ 2,0-2,5 tỷ USD, từ khu vực DDI từ 20.000-25.000 tỷ đồng.
Tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược ảnh 1Một doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Bình Xuyên. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.270 dự án; trong đó 445 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 7,55 tỷ USD và 825 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư hơn 121.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đến nay, Vĩnh Phúc có 16 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với diện tích quy hoạch trên 3.100ha; trong đó có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định, với tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt hơn 95%.

Một số khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao như khu công nghiệp Kim Hoa đạt 100%, khu công nghiệp Bình Xuyên II giai đoạn I đạt 100%, khu công nghiệp Bình Xuyên đạt 98%, khu công nghiệp Khai Quang đạt 96%, khu công nghiệp Bá Thiện II 83%. Riêng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc mặc dù mới đi vào hoạt động cuối năm 2017 nhưng với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại cũng có tỷ lệ lấp đầy 82%.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có 20 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đầu tư. Điều đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cũng như sự cố gắng của tỉnh trong cải cách hành chính để Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư gắn bó lâu dài.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững cũng như chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp sang hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh được điều chỉnh theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 theo quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 17/4/2023.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực FDI từ 2,0-2,5 tỷ USD, từ khu vực DDI từ 20.000-25.000 tỷ đồng.

Tỉnh phấn đấu nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn đầu tư nước ngoái của tỉnh lên hơn 80% đến năm 2030, như tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ; thu hút thêm từ 1 đến 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc.

Tỉnh kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư các dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ.

[Vĩnh Phúc: Thu hút các nhà đầu tư chiến lược của Nhật Bản]

Đề án cũng đưa ra định hướng cụ thể đối với từng lĩnh vực, chuỗi ngành cung ứng ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn từ 2023-2030.

Về công nghiệp chế biến, chế tạo, Vĩnh Phúc tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp, hình thành khu công nghiệp chuyên ngành mới bao gồm điện tử, bán dẫn, dược phẩm. Gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường theo hướng Net-Zero; xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp.

Tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược ảnh 2Hoạt động sản xuất tại Công ty Exedy Việt Nam, Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Về công nghiệp bán dẫn, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; nghiên cứu xây dựng thiết kế cấu phần hỗ trợ kinh phí đảm bảo nguồn nước tuần hoàn và năng lượng tái tạo độc lập, ổn định cho trung tâm công nghiệp sản xuất chế tạo chất bán dẫn tại tỉnh để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực này.

Về ôtô, xe máy điện, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trong lĩnh vực ôtô, xe máy điện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững phù hợp với xu hướng chung của thế giới; thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất và phụ trợ xe điện và từng bước trở thành một “Trung tâm sinh thái sản xuất ôtô hàng đầu ở khu vực phía Bắc;" hỗ trợ chặt chẽ với Toyota và Honda triển khai các kế hoạch thay thế dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch bằng các dòng xe chạy điện.

Để có thể tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi khi đầu tư vào Vĩnh Phúc có tính cạnh tranh so với các quốc gia khác, địa phương khác, Đề án đưa giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh.

Tỉnh cần nghiên cứu xây dựng cơ chế vận động chính sách ở các bộ ngành Trung ương nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, trong đó có lĩnh vực thu hút đầu tư nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội; xây dựng một số gói ưu đãi cho đối với từng nhà đầu tư, từng lĩnh vực cần thu hút đầu tư (đặc biệt khuyến khích đầu tư).

Bên cạnh các ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai và hạ tầng kỹ thuật, để thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn đầu tư trên địa bàn, tỉnh cần phát triển hạ tầng xã hội để đáp ứng nhu cầu sinh sống lâu dài của người lao động, chuyên gia; tạo điều kiện phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, khoa học công nghệ và môi trường đổi mới sáng tạo; củng cố khả năng liên kết giữa hoạt động sản xuất đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cần tạo môi trường thuận lợi về thủ tục hành chính, minh bạch và phòng ngừa rủi ro tham nhũng; đổi mới phương pháp thu hút đầu tư có chọn lọc, xây dựng các công cụ thu hút đầu tư có chọn lọc; tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục