Tổ chức đối thoại Á-Âu về an ninh con người tại Hà Nội

Các nhà khoa học đến từ Pháp, Đức, Anh, Na Uy, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Lào và Việt Nam đã trao đổi vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh con người.

Ngày 11/11, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức hội thảo “An ninh con người ở châu Á: Thực tiễn châu Âu và hàm ý chính sách cho Việt Nam” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ Pháp, Đức, Anh, Na Uy, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Hội thảo tạo không gian đối thoại cho các học giả châu Á và châu Âu trao đổi vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh con người, thu hẹp khoảng cách về kiến thức cũng như phát triển chính sách hiệu quả trong việc đối phó với các vấn đề an ninh con người trên thế giới, khu vực và tại một số quốc gia cụ thể...

Tiến sỹ Wilhelm Hofmeister, Giám đốc KAS tại Singapore, cho biết khái niệm về an ninh con người đã được đưa ra thảo luận ở các hội thảo quốc tế từ 20 năm trước.

An ninh con người đang có nhiều thách thức khác nhau, ở mỗi quốc gia khác nhau. Xu hướng toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế... đang biến đổi, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, với những nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, nhưng quá trình phân hóa giàu nghèo vẫn đang gia tăng ở nhiều quốc gia.

Thế giới cũng gặp nhiều rủi ro mới như biến đổi khí hậu, xung đột gia tăng ở nhiều quốc gia, khu vực... ảnh hưởng đến mỗi quốc gia với nhiều cấp độ khác nhau. Những thách thức này không chỉ thuần túy giải quyết bằng một biện pháp đơn giản, mà phải có nhiều chính sách cũng như liên kết mới giải quyết được.

An ninh con người là cách tiếp cận phù hợp, lấy con người làm trọng tâm. Cách tiếp cận này đến nay đã được giới nghiên cứu, học giả áp dụng trong các nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, nội dung quan trọng được các học giả thảo luận là an ninh con người và nhu cầu hợp tác khu vực; những phạm vi và cách tiếp cận cho sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để thúc đẩy an ninh con người, đây là cơ hội mở rộng cách tiếp cận an ninh con người khu vực.

Theo giáo sư-tiến sỹ Shahrbanou Tadjibakhsh, Giám đốc chuyên ngành an ninh con người - Chương trình thạc sỹ quản lý công tại Viện nghiên cứu chính trị (Paris, Pháp), an ninh con người ở cấp độ khu vực, thế giới đã được đề cập nhiều, nhưng góc độ an ninh con người đơn lẻ ở từng quốc gia chưa được đề cập đến nhiều.

Cách tiếp cận an ninh con người phải là đa ngành, liên ngành. An ninh con người có tính đặc thù hoàn cảnh rất cao.

Thiết lập chương trình, chính sách an ninh con người phải bao hàm bốn yếu tố, phải lấy con người làm trọng tâm, có tính toàn diện, liên kết của một chương trình an ninh con người, có bối cảnh cụ thể và định hướng tới góc độ ngăn ngừa mất an ninh con người hơn là khắc phục nó.

Với Việt Nam, khi xây dựng chính sách nên tích hợp, lồng ghép an ninh con người với từng ngành, từng lĩnh vực. Phát triển con người thì ưu tiên an ninh con người, giúp con người chống chịu, phát triển trong hoàn cảnh cụ thể, quan trọng là đảm bảo được các nhu cầu của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục