Tòa án Hà Lan bác đơn kháng cáo của chính phủ về giảm khí thải

Tòa án Tối cao Hà Lan đã ra phán quyết buộc chính phủ nước này đến năm 2020 cắt giảm ít nhất 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/12, Tòa án Tối cao Hà Lan đã ra phán quyết buộc chính phủ nước này đến năm 2020 cắt giảm ít nhất 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân làm Trái Đất ấm lên, theo như phán quyết của hai tòa án cấp thấp trước đó trong vụ kiện mà bên nguyên đơn là nhóm bảo vệ môi trường Urgenda.

Phán quyết của Tòa án Tối cao Hà Lan nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của việc cộng đồng quốc tế đạt được nhận thức chung rằng vào năm 2020, các nước phát triển phải giảm từ 25% đến 40% lượng khí thải của năm 1990.

Phán quyết khẳng định Tòa án Thượng thẩm Hà Lan đã có phán quyết đúng đắn về việc quốc gia châu Âu này đến cuối năm 2020 có nghĩa vụ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 25% so với mức khí thải ghi nhận năm 1990.

[Quốc hội Đức nhất trí về hệ thống định giá khí thải carbon]

Urgenda tiến hành vụ kiện này vào tháng 4/2015 khi đại diện cho khoảng 900 công dân Hà Lan.

Chính phủ đã 2 lần kháng cáo vào năm 2015 và 2018 - sau khi hai tòa án ra phán quyết buộc phải thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải nêu trên.

Năm 2018, các nghị sỹ Hà Lan đã công bố dự thảo luật khí hậu mới đầy tham vọng, trong đó đặt mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính còn gần 0 vào năm 2050 và yêu cầu cơ quan chức năng có báo cáo đánh giá hằng năm để đảm bảo việc hiện thực hóa mục tiêu nói trên.

Tuy nhiên, Chính phủ Hà Lan đã đối mặt với làn sóng biểu tình của nông dân trên cả nước phản đối các điều khoản cắt giảm lượng khí thải nitơ sản sinh trong quá trình chăn nuôi và trồng trọt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục