Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho công dân Đức Peter Steudtner

Ngày 25/10, một tòa án ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định trả tự do cho công dân người Đức Peter Steudtner bị chính quyền Ankara bắt giữ hồi tháng Bảy vừa qua.
Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho công dân Đức Peter Steudtner ảnh 1Công dân Đức Peter Frank Steudtner sau khi được thả ra khỏi khu nhà tù Silivri gần Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 26/10. (Nguồn: Reuters)

Ngày 25/10, một tòa án ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định trả tự do cho công dân người Đức Peter Steudtner bị chính quyền Ankara bắt giữ hồi tháng Bảy vừa qua.

Ông Steudtner bị phía Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ với cáo buộc liên quan đến khủng bố khi đang tham dự một hội thảo về an ninh tại một hòn đảo ngoài khơi Istanbul.

Nếu bị kết tội, ông Steidtner sẽ phải đối mặt với án phạt 15 năm tù giam.

Tuy nhiên, tòa án đã bất ngờ thông báo quyết định trả tự do ngay lập tức và có điều kiện đối với ông Steidtner và tám người khác.

Cả Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel và Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas đều hoan nghênh quyết định tòa án Thổ Nhĩ Kỳ, coi đó là bước đi thiện chí đầu tiên trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel phiên bản trực tuyến, Ngoại trưởng Gabriel tiết lộ chính cựu Thủ tướng Gehard Schröder là "cầu nối" giúp giải quyết vụ việc.

Ông Schröder đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và đề cập đến trường hợp của Steudtner. Nhiều người đã tụ tập bên ngoài nhà tù Silivri để đón ông Steudtner được trả tự do.

[Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giam giữ nhà báo người Đức Mesale Tolu]

Tuy nhiên, Chính phủ Đức nhấn mạnh rằng cần tiếp tục các biện pháp để đòi tự do cho các công dân Đức khác đang bị phía Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ "với những lý do không thể chấp nhận," trong đó có hai nhà báo.

Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là hai quốc gia đồng minh gần gũi trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Berlin chỉ trích mạnh mẽ Ankara về cách thức xử lý vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016 cũng như các vấn đề liên quan đến người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ bắt giữ các nhà báo và công dân Đức với cáo buộc cổ xúy khủng bố và việc chính quyền Ankara không cho phép các nghị sỹ Đức đến thăm binh lính đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi toàn bộ người Đức gốc Thổ không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SDP), hay đảng Xanh, và cho rằng đây là "kẻ thù của Ankara."

Đáp lại, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ ngừng các cuộc đàm phán của Đức và Liên minh châu Âu về việc xem xét Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục