Tọa đàm về nạn nhân dioxin Việt Nam tại Anh

Buổi tọa đàm về chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam đã diễn ra tại thành phố Coventry, Anh, để kêu gọi ủng hộ các nạn nhân ở Việt Nam.
Buổi tọa đàm về chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam đã diễn ra tại thành phố Coventry, Anh, để giúp người dân thành phố này hiểu rõ thêm tác hại của hóa chất này và kêu gọi mọi người ủng hộ các nạn nhân ở Việt Nam.

Đại diện Ủy ban Hòa bình thành phố Coventry; Hội Viện trợ Khoa học và thiết bị y tế cho Việt Nam, Lào, Campuchia (MSAVLC), ông Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh-Việt, Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Giáo sư Phùng Tửu Bôi, đại diện cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và một số tổ chức cùng nhiều bạn bè Anh tại thành phố Coventry đã đến tham dự buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Phùng Tửu Bôi đã thông báo vắn tắt tình hình nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Theo Giáo sư Phùng Tửu Bôi, quân đội Mỹ đã rải chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam, để lại hậu quả khôn lường cho người dân và môi trường sống.

Ước tính có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Những nạn nhân này đều thuộc diện gia cảnh rất khó khăn. Nhiều gia đình có 2, 3 người chịu hậu quả của chất độc này. Nhiều trẻ em sinh ra bị các dị dạng, khuyết tật.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có nhiều chương trình giúp đỡ họ cả về tinh thần và vật chất nhưng họ vẫn cần thêm nhiều sự ủng hộ của quốc tế để có thể có một cuộc sống tốt hơn và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.

Bà Madeline Sharp, Chủ tịch danh dự MSAVLC, người đã có nhiều đóng góp giúp đỡ Việt Nam trong nhiều năm qua nói rằng chủ đề của buổi tọa đàm năm nay về thảm họa chất độc da cam nhằm giúp cho người dân Coventry hiểu rõ thêm về ảnh hưởng của chất độc này ở Việt Nam vì mọi người mới chỉ biết đến hậu quả của bom mìn, nhưng còn nhiều người chưa hiểu về chất độc da cam và di chứng của nó ảnh hưởng nặng nề đến các thế hệ người dân Việt Nam như thế nào.

Bà hy vọng cuộc hội thảo sẽ giúp thêm nhiều người hiểu rõ hơn về hậu quả mà người dân Việt Nam đang phải chịu đựng và người dân Coventry có thể gây được nhiều quỹ để giúp đỡ các nạn nhân.

Đại diện Hội hữu nghị Anh-Việt, ông Len Aldis, người có đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giành công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đã trả lời những câu hỏi của người dân thành phố Coventry về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam và những hậu quả mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu.

Coventry nổi tiếng trên thế giới là thành phố có những hoạt động vì hòa bình và hòa giải. Hàng năm, thành phố tổ chức nhiều hoạt động vì hòa bình, thường bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài suốt tháng 11. Buổi tọa đàm nói trên nằm trong số những hoạt động này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục