“Tôi muốn vẽ lại bức tranh theo đúng những gì tôi thấy”

Vị học giả ấy bảo, dịch thuật là con đường quạnh hiu nhưng đầy ân tình. Đi trên con đường ấy, ông thấy niềm vui nhiều hơn nỗi buồn.
“Tôi muốn vẽ lại bức tranh theo đúng những gì tôi thấy” ảnh 1Dịch giả Đỗ Khánh Hoan (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Dẫu biết trước rằng, đó là con đường khó nhưng tôi vẫn sẽ đi. Đi để để được trải nghiệm nhiều hơn, để tiếp tục khám phá và rèn luyện chính mình!” 

Dịch giả Đỗ Khánh Hoan, người đã chuyển ngữ hơn 40 tác phẩm văn chương của thế giới sang tiếng Việt đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về hành trình “vác đá leo ngược đèo” của mình [“vác đá leo ngược đèo” là cách ông tự hình dung về công việc dịch thuật nhiều khó khăn, thách thức-PV].

Nửa thế kỷ miệt mài với những con chữ, có những bản dịch đã được tái bản khoảng 35 lần (bản dịch ba tập thơ của Rabindranath Tagore-người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học), ông vẫn luôn tâm niệm, có kinh nghiệm không có nghĩa là ngừng học. “Học tập là con đường dài bất tận và rộng vô biên,” dịch giả bày tỏ.

“Chân thực không có nghĩa là nô lệ!”

- Ông là người đầu tiên dịch trọn vẹn hai trường ca “Iliad” và “Odyssey” (những tác phẩm được coi là trụ cột trong văn học phương Tây cổ đại) sang tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Hy Lạp. Thế nhưng, ông lại lựa chọn hình thức văn xuôi cho bản Việt văn, trong khi nguyên gốc, đó là hai tác phẩm thơ. Lý do của điều này là gì, thưa dịch giả?

Dịch giả Đỗ Khánh Hoan: Tôi biết, lời thơ của “Iliad”“Odyssey” rất hay, hay đến độ dân chúng xứ đó có thể thuộc lòng. Bởi vậy, tuy ra đời từ cách đây khoảng ba ngàn năm nhưng hai tác phẩm đó vẫn không hề mai một với thời gian.

Việc để một bản dịch cũng có hình thức thơ như nguyên gốc không phải là điều đơn giản bởi thơ có những đặc trưng riêng về niêm luật, vần điệu… Khi chuyển ngữ, nếu không theo sát được những yêu cầu đó, người dịch sẽ rất dễ sơ suất và có thể làm hỏng tác phẩm gốc.

Bản thân tôi không hề muốn điều đó. Tôi đã mất mười năm để hoàn thành bản dịch hai trường ca này. Trong quá trình thực hiện, tôi muốn đạt đến độ trung thực, chính xác tối đa. Tôi muốn vẽ lại bức tranh theo đúng những gì tôi thấy. 

Hơn nữa, khi chuyển ngữ hai tác phẩm này, tôi muốn chúng có thể đến gần với công chúng. Ngôn ngữ của thơ thường trừu tượng và vì thế, khó đi vào thực tế. Trong khi đó, ngôn ngữ văn xuôi đơn giản, cụ thể hơn và dễ tiếp nhận hơn.

- Nhưng khi khoác “chiếc áo mới” cho hai thiên sử thi này, bản dịch sẽ mất đi chất thơ-yếu tố quan trọng hàng đầu làm nên giá trị của của “Iliad” và “Odyssey.” Ông có thể nói gì về điều này, thưa dịch giả?

Dịch giả Đỗ Khánh Hoan: Đúng vậy! Việc sử dụng hình thức văn xuôi để chuyển ngữ “Iliad”“Odyssey” chắc chắn sẽ làm mất đi phần nào chất thơ tràn đầy trong hai thiên sử thi này. Tuy nhiên, chất thơ ấy sẽ không mất đi hoàn toàn. Bởi lẽ, chất thơ của “Iliad” “Odyssey” không chỉ tập trung ở hình thức thể hiện (là những câu thơ) mà còn được gửi gắm trong nội dung, hình tượng những người anh hùng…

Tôi luôn băn khoăn tự hỏi “Tôi muốn sản phẩm sau qua tay mình sẽ mang vẻ ngoài đẹp đẽ hay nội dung chính xác?”

Nếu đảm bảo được cả hai yếu tố đó thì là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, khi phải chọn lựa thì tôi sẽ chọn yếu tố thứ hai.

- Phải chăng đây cũng là quan điểm về dịch thuật của ông, thưa dịch giả?

Dịch giả Đỗ Khánh Hoan: Cũng có thể nói là như vậy!

Tôi luôn tâm niệm, trong quá trình chuyển ngữ, phải có trách nhiệm với cả tác giả và độc giả. Người dịch nếu không thể nâng cao giá trị của tác phẩm gốc thì cũng phải đảm bảo truyền tải giá trị nội dung, tư tưởng... của tác phẩm, không được phép thêm-bớt những điều lạc điệu.

- Thế nhưng, trong dịch thuật, bên cạnh việc tôn trọng nguyên gốc, người ta cũng bàn tới việc cần “bản địa hóa” sách dịch để người đọc dễ tiếp nhận hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, thưa dịch giả?

Dịch giả Đỗ Khánh Hoan: Tôi nói, quan điểm của tôi về việc chuyển ngữ là cần đảm bảo tính chính xác; nhưng chính xác không có nghĩa là nô lệ ngôn từ. Người dịch cũng cần có sự vận dụng linh hoạt cho phù hợp với văn hóa, đặc điểm ngôn ngữ dân tộc… để độc giả có thể tiếp cận được dễ dàng hơn.

Thực chất, nếu nội dung cuốn sách hay thì dù được viết bằng bất cứ ngôn ngữ nào, nó cũng vẫn sẽ rất giá trị.

Tuy nhiên, trên hết, nếu người dịch không có ý thức bám sát nội dung  thì việc làm chỉ là phóng tác (hay phỏng dịch), không thể coi là dịch thuật một cách đúng nghĩa.

Tôi vẫn luôn coi việc chuyển ngữ một tác phẩm là tái sáng tạo tác phẩm đó.

“Quạnh hiu nhưng đầy ân tình!”

- Dẫu biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng tôi vẫn muốn ông nói về sự khác biệt trong môi trường dịch thuật giữa Việt Nam và quốc tế; bởi ông là người đã từng làm công việc này nhiều năm ở cả trong  nước và nước ngoài.

Dịch giả Đỗ Khánh Hoan: Theo quan điểm và quan sát của cá nhân tôi, có một sự khác biệt “ghê gớm” về đủ mọi phương diện giữa môi trường dịch thuật ở Việt Nam và thế giới.

Giới học thuật nước ngoài không chỉ “phù thịnh” mà còn “phù suy.” Họ không chỉ học các nước lớn, nước phát triển mà còn học cả các nước nhỏ. Người ta không chỉ học những ngoại ngữ rất thông dụng trong hiện tại mà còn học cả những “tử ngữ” để có thể khai thác kho tàng tri thức của tiền nhân.

Trong khi đó, ở Việt Nam, phần lớn mọi người chỉ đổ xô đi học tiếng Anh, tiếng Pháp… mà rất hiếm người học chữ cổ của cha ông hay học tiếng Lào, tiếng Miên.

Bạn có tin không khi tôi nói, các thư viện ở Pháp, Mỹ có rất nhiều sách quý về Việt Nam trong khi Việt Nam hoàn toàn không có những cuốn sách đó?

- Hơn nửa thế kỷ gắn bó với việc chuyển ngữ những cuốn sách, đến bây giờ, khi nhìn lại, ông hình dung thế nào về công việc này?

Dịch giả Đỗ Khánh Hoan: Đó là một con đường quạnh hiu nhưng đầy ân tình. Đi trên con đường ấy, tôi thấy vui nhiều hơn buồn. Việc dịch thuật chỉ giúp tôi có thêm “đồng ra đồng vào” thôi, chứ đó không phải là nguồn thu nhập chính để tôi nuôi sống bản thân.

Với mỗi bản dịch hoàn thành, tôi thấy mình như vừa trả được một món nợ với những người xung quanh.

Có những lúc tôi đã bật khóc vì sung sướng khi hoàn thành việc chuyển ngữ sang tiếng Việt một cuốn sách hay, được cả thế giới ca tụng. Ví dụ như khi hoàn thành việc chuyển ngữ cuốn "Odyssey."

Tôi được học ngoại ngữ từ nhỏ. Khi được đọc những cuốn sách được viết bằng tiếng nước ngoài, tôi cảm thấy thực sự thích thú và hữu ích. Những lúc bắt gặp những điều hay, ý lạ trong những cuốn sách đó, tôi rất muốn chia sẻ với những người xung quanh mình, để họ cũng có thể hiểu được những điều đẹp đẽ đó.

Tôi ngày càng thấm thía rằng, chuyển ngữ những cuốn sách giá trị là một việc làm vô cùng cần thiết, để "đón gió bốn phương" nếu muốn học hỏi, tiến bộ.

- Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!/.

Dịch giả, nhà nghiên cứu Đỗ Khánh Hoan nguyên là Trưởng Ban Anh văn-Đại học Văn Khoa (Viện Đại học Sàigòn).

Ông đã chuyển ngữ sang tiếng Việt nhiều tác phẩm của các tác giả nổi tiếng thế giới như Plato, Homer, Shakespeare, Cervantes… 

Hiện nay, dịch giả Đỗ Khánh Hoan đang định cư tại Canada.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục