Tổng thầu đường sắt đô thị Hà Nội thiếu kinh nghiệm vận hành

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong quá trình triển khai, tổng thầu dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông xây dựng tốt các hạng mục nhưng lại thiếu kinh nghiệm vận hành.
Đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhiều câu hỏi liên quan đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tiến độ, đội vốn…) được các đại biểu đặt ra với Bộ trưởng đường sắt đô thị Hà Nội tại phiên chất vấn sáng 5/6 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV).

Thiếu kinh nghiệm vận hành

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, dự án này thực hiện theo hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó tổng thầu do phía Trung Quốc chỉ định.

“Trong quá trình triển khai, tổng thầu xây dựng tốt các hạng mục nhưng lại thiếu kinh nghiệm vận hành đường sắt đô thị. Thi công và vận hành tàu đường sắt đô thị là hai việc khác nhau. Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các đơn vị liên quan của Trung Quốc nhiều lần để cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành,” ông Nguyễn Văn Thể cho biết.

[Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chưa thể khai thác vào 30/4]

Thông tin thêm về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến thời điểm hiện nay, dự án đã hoàn thành khoảng 99% khối lượng xây lắp. Khoảng 1% khối lượng còn lại liên quan đến một số hạng mục nhỏ, đang được hoàn thiện.

Ngoài ra, tổng thầu đang triển khai công tác chứng minh an toàn hệ thống. “Đây là vấn đề quan trọng nhất. Bộ Giao thông Vận tải đã thuê tư vấn nước ngoài đánh giá, thẩm định độ an toàn của hệ thống. Nếu tổng thầu cung cấp thông tin không chính xác thì tư vấn sẽ không thông qua phương án an toàn hệ thống,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Tổng thầu đường sắt đô thị Hà Nội thiếu kinh nghiệm vận hành ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 5/6. (Ảnh: TTXVN)

Bao giờ đưa vào khai thác thương mại?

Ông Nguyễn Hữu Cầu (đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đặt câu hỏi về lý do dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ và thời gian cụ thể đưa dự án này vào khai thác thương mại.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải lý giải, dự án có tính kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, lần đầu được triển khai ở Việt Nam. Nhiều hạng mục công trình chưa có ở quy trình trong nước, phải vận dụng, sử dụng quy trình, công nghệ của Trung Quốc. Ngoài ra, do dự án được triển khai ở khu vực có mật độ dân cư cao nên việc giải phóng mặt bằng phức tạp, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật khó khăn, từ đó  thời gian triển khai kéo dà.

“Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên áp dụng hình thức Hợp đồng EPC (Tổng thầu). Tuy nhiên, quy định về Hợp đồng EPC chưa đầy đủ, dẫn đến việc áp dụng khó khăn, lúng túng, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật và tài chính, quá trình thực hiện phụ thuộc nhiều vào tổng thầu,” ông Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn đến việc dự án bị đội vốn là dự án sử dụng công nghệ mới được phê duyệt trước năm 2008. Trong khi đó, thời điểm này diễn ra khủng hoảng nghiêm trọng: năm 2009 trượt giá gần 20%, mức trượt giá ở giai đoạn từ 2009-2013 là khoảng 49%...

Trả lời câu hỏi về thời gian đưa dự án đường săt đô thị Hà Nội vào khai thác thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn đưa dự án này vào vận hành. Tuy nhiên, đây là dự án đường sát đô thị đầu tiên triển khai, liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của rất nhiều người. Vấn đề an toàn phải đặt lên hàng đầu. Khi bên tư vấn thông qua đánh giá nghiệm thu, thẩm định độ an toàn của hệ thống thì dự án sẽ được đưa vào khai thác thương mại.”

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã nhiều lần “lỗi hẹn” đưa vào khai thác, vận hành. Trong khi đó, ban đầu, dự án dự kiến đưa vào khai thác năm 2016.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã công bố giá vé tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông thấp nhất là 8.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng/ngày; vé tháng cho hành khách phổ thông là 200.000 đồng/tháng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục