Tổng thống J.Biden nhận định về đàm phán chiến lược cấp cao Mỹ - Nga

Phát biểu với báo giới về quan điểm của mình đối với vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước mới kết thúc ở Geneva Tổng thống Biden nói: “Chúng tôi đang trong tiến trình và tôi cảm thấy tia hy vọng."
Tổng thống J.Biden nhận định về đàm phán chiến lược cấp cao Mỹ - Nga ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, DC ngày 30/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 31/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ hy vọng về cuộc đàm phán ổn định chiến lược hạt nhân giữa nước này với Nga.

Theo hãng tin TASS của Nga, phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng về quan điểm của mình đối với vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước mới kết thúc ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng thống Biden nói: “Chúng tôi đang trong tiến trình và tôi cảm thấy tia hy vọng.”

Trước đó, ngày 28/4 vừa qua, các quan chức cấp cao Mỹ và Nga đã kết thúc vòng đàm phán trực tiếp về ổn định chiến lược. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu phái đoàn của hai nước tiến hành cuộc gặp tại trụ sở phái bộ ngoại giao Mỹ ở Geneva. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên đã thảo luận về môi trường an ninh cũng như các khía cạnh của việc triển khai xây dựng “thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí.”

Sau cuộc hội đàm, các quan chức của Nga và Mỹ đã đưa ra những bình luận khá lạc quan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Ned Price đã gọi quá trình đàm phán diễn ra  “chuyên nghiệp và thực chất,” đồng thời cho biết thêm rằng nước này hướng đến thảo luận về các chính sách ưu tiên, môi trường an ninh hiện nay, cũng như “triển vọng cho hiệp định kiểm soát vũ khí mới” và cơ chế cho các vòng đàm phán tiếp theo.

[Mỹ phê chuẩn thương vụ 3,4 tỷ USD bán trực thăng vận tải cho Israel]

Trong khi đó, ông Andrey Baklitskiy - chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu cấp cao Mỹ thuộc Học viện Ngoại giao Moskva - cho biết: “Chúng tôi bắt đầu với một chính phủ  mới tại Mỹ, bắt đầu khá nhiều lại từ đầu. Đây mới chỉ là một cuộc gặp gỡ và cố gắng thiết lập một số hiểu biết cơ bản.”

Tháng 1 vừa qua, Nga đã phê chuẩn gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), vài ngày trước khi văn kiện này hết hiệu lực. Hiệp ước này hạn chế số đầu đạn hạt nhân chiến lược, tên lửa và bom mà Nga và Mỹ có thể triển khai.

Nga và Mỹ hiện đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Geneva tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí đặt nền móng cho các biện pháp kiểm soát vũ khí và giảm nguy cơ trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục