Tổng thống Putin "sợ" Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ?

Putin cần hiểu được rằng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế trong khi Nga vẫn đang trì trệ, cùng quy mô dân số sẽ là những yếu tố đưa Bắc Kinh vượt trội hơn hẳn Moskva trên phương diện quân sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng responsiblestatecraft.org, dưới thời Vladimir Putin, nước Nga đang theo đuổi một chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán.

Để khôi phục ảnh hưởng của Moskva ở hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ lãnh thổ trước đây của Liên bang Xôviết, Putin đã hồi sinh vai trò cường quốc của Nga không chỉ ở Trung Đông, mà còn tại châu Phi và Mỹ Latinh - những nơi họ đã để vuột mất từ sau Chiến tranh Lạnh.

Putin “kết giao” với nhiều quốc gia châu Âu từng là đồng minh của Mỹ suốt từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Và cuối cùng, người ta còn cho rằng Putin đã tìm được cách để Moskva chi phối nhiều vấn đề chính trị nội bộ của Mỹ hơn hẳn thời Xôviết.

[Mỹ đơn độc trong chiến tranh lạnh với Trung Quốc]

Dù vậy, bất chấp những thành quả từ chính sách đối ngoại quyết đoán mà Putin thực hiện đối với hầu hết thế giới, vẫn còn một quốc gia chẳng hề hấn gì trước những ảnh hưởng này, và đó chính là Trung Quốc.

Khi đề cập tới mối quan hệ Nga-Trung, Tổng thống Putin luôn đặc biệt tỏ thái độ trân trọng. Putin miêu tả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “người bạn tốt và đáng tin.”

Tất nhiên một lý do quan trọng dẫn đến thái độ này chính là sự lệ thuộc về kinh tế của Nga vào Trung Quốc, một phần bắt nguồn từ các đòn trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga để trả đũa vấn đề Crimea và nhiều mâu thuẫn khác.

Tuy nhiên, là một người thực tế và lý trí, Putin cần hiểu được rằng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế trong khi Nga vẫn đang trì trệ, và rằng sức mạnh kinh tế lớn hơn cùng quy mô dân số của Trung Quốc sẽ là những yếu tố đưa Bắc Kinh vượt trội hơn hẳn Moskva trên phương diện quân sự.

Và một Trung Quốc mà Nga ngày càng lệ thuộc sẽ hạn chế đáng kể năng lực của Moskva, hay nói đúng hơn là của Putin, trong việc tự do thực hiện các mục tiêu quốc tế của mình. 

Dù vậy, Putin dường như không thừa nhận khả năng Trung Quốc có thể là mối đe dọa đối với Nga. Và người ta đang đặt câu hỏi cho sự chủ quan này.

Một trong những diễn giải được đưa ra chính là việc Putin quá tập trung vào điều mà ông xem là mối đe dọa hàng đầu từ Mỹ và phương Tây, đến mức ông không dành đủ sự quan tâm cho những rủi ro tiềm tàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Putin luôn nổi tiếng là người nhạy cảm với mọi rủi ro, bởi vậy khả năng này là khó khả thi.

Một lý do khác được nhắc đến là việc Putin thực tế hoàn toàn hiểu được Trung Quốc đang ngày càng trở nên lớn mạnh hơn hẳn Nga, song ông cho rằng “hậu thuẫn” Bắc Kinh sẽ tốt hơn là ủng hộ Washington. 

Dù Trung Quốc muốn gì ở Nga đi chăng nữa, Bắc Kinh cũng sẽ không tìm cách dân chủ hóa nước Nga bằng các cuộc “cách mạng màu” như những gì Putin lo ngại về Mỹ.

Thực tế dù “các cuộc cách mạng màu” tại Georgia và Ukraine trong giai đoạn chính quyền Bush, sau đó tại các nước Arập và ở miền Đông Ukraine thời Obama, có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến những lo ngại này, thì rất khó để cho rằng Putin sẽ nhìn nhận Donald Trump - người có thái độ ngưỡng mộ đối với các nhà lãnh đạo độc tài nói chung, và Putin nói riêng - có thể đem đến một mối đe dọa tương tự.

Tổng thống Putin "sợ" Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ? ảnh 1Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP)

Ngay cả nếu Tổng thống Mỹ sắp tới là thành viên của đảng Dân chủ, thì những lục đục trong nội bộ Mỹ và phương Tây - một phần là nhờ những hành động của Putin - cũng khó có thể thuyết phục Putin rằng phương Tây có đủ tiềm lực để kích động một cuộc cách mạng dân chủ chống đối ông.

Một giải thích khác cho sự nhượng bộ của Putin đối với Tập Cận Bình là việc nhà lãnh đạo Nga tin chắc rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đe dọa Nga chừng nào họ còn xem Washington là mối đe dọa chính yếu.

Hơn thế nữa, nếu Trung Quốc đe dọa Nga, thì Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ đe dọa với cả Mỹ và phương Tây, và khi điều đó xảy ra, nhiều khả năng Mỹ và phương Tây sẽ tìm cách liên minh với một nước Nga yếu thế hơn để đối đầu Trung Quốc - bất chấp mối quan hệ trước đó có trắc trở đến thế nào.

Nếu đó là những gì Putin nghĩ, thì có lẽ ông đã đúng. Dù chỉ trích Putin gay gắt như thế nào đi chăng nữa, thì các nhà lãnh đạo phương Tây - những người đang trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc - chắc hẳn đều muốn lôi kéo Nga ở bên mình hơn là nhìn Moskva liên minh với Bắc Kinh.

Mặt khác, các nhà lãnh đạo phương Tây vốn luôn bất đồng với Nga có thể không nhận ra rằng cả Putin và người kế nhiệm ông không hề có thái độ thù địch với họ khi Moskva cần.

Cũng có thể khi Moskva cần phương Tây hậu thuẫn để chống lại Trung Quốc, các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ “tọa sơn quan hổ đấu” thay vì để hai nước này thù địch với phương Tây.

Liệu đây có phải là điều tất yếu sẽ diễn ra hay không? Câu trả lời là không. Song viễn cảnh này nên là lý do để một nhà lãnh đạo Nga với tư tưởng chống phương Tây như Putin tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, thay vì đứng về phía Bắc Kinh, với tầm nhìn cho rằng Moskva hoàn toàn có thể “lựa chọn” liên minh khi cần.

Việc Putin thực tế không lựa chọn cách làm này cho thấy rất có thể sự thù địch và hoài nghi đang chi phối các tính toán của ông nhiều hơn là những lý lẽ phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục