TP. HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp để cải thiện chỉ số tăng trưởng

Từ tháng 8/2023, các sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân TP.HCM sẽ tổ chức các buổi làm việc giải quyết lần lượt các vấn đề tồn đọng liên quan đến doanh nghiệp định kỳ mỗi tuần hoặc hai tuần.
TP. HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp để cải thiện chỉ số tăng trưởng ảnh 1Công nhân lao động tại nhà xưởng Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7 tiếp tục đà tăng trưởng tuy nhiên vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn thách thức.

Để cải thiện các chỉ số tăng trưởng trong những tháng cuối năm, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp từng lĩnh vực và triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung trên đưa ra tại phiên họp kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 8 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày 1/8.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tính tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong số đó, công nghiệp khai khoáng tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện giảm 0,4% so với tháng trước nhưng tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố tăng 2,4% so với cùng kỳ.

Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 19/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng so với cùng kỳ. Trong số đó, một số ngành có mức tăng cao như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 23,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 22,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 21,2%.

Trong khi đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số sản xuất trong 7 tháng tăng 5,4% so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành hóa dược tăng 17,3%, ngành cơ khí tăng 6,5%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 4,2%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 5,8%. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 năm 2023 ước tính tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp thành phố.

[Tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,15%]

Về tình hình doanh nghiệp, tính đến ngày 20/7, thành phố đã cấp phép thành lập 27.664 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 261.167 tỷ đồng, tăng 9,3% về giấy phép nhưng giảm 14,1% về vốn so với cùng kỳ.

Về giải ngân đầu tư công, tính đến hết tháng 7, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách do địa phương quản lý ước thực hiện 20.295,5 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ. Đối với vốn do Trung ương phân bổ, ước đến hết 7 giải ngân đạt 19.153,2 tỷ đồng, đạt 28% so với kế hoạch thực hiện.

Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số ngành sản xuất tiếp tục giảm sâu như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 21,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 16,9%; sản xuất trang phục giảm 13,4%; sản xuất đồ uống giảm 12,7%.

Đối với ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng giảm 9,8% so với cùng kỳ; trong đó sản xuất trang phục giảm 13,5%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 9,3%... Thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm vẫn giảm 6,1% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa giảm 3%, thu từ dầu thô giảm 13%, thu từ xuất nhập khẩu giảm 11,6%.

TP. HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp để cải thiện chỉ số tăng trưởng ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. (Nguồn: Công Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh)

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, trong tháng 8 và những tháng cuối năm, Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục tập trung thực hiện các các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh một cách đồng bộ, hiệu quả.

Cụ thể, trong số 323 nội dung về các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh, còn 115 nội dung chưa được giải quyết, trong đó với lĩnh vực bất động sản còn 48 dự án có vướng mắc nội dung thuộc Sở Xây dựng, 30 dự án có vướng mắc liên quan Sở Tài nguyên Môi trường, 16 nội dung thuộc ủy ban.

Từ tháng 8/2023, các sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ tổ chức các buổi làm việc giải quyết lần lượt các vấn đề tồn đọng định kỳ mỗi tuần hoặc hai tuần và công bố kết quả lên website của thành phố để doanh nghiệp theo dõi.

Liên quan đến tốc độ giải ngân đầu tư công, ông Phan Văn Mãi cho rằng những tháng gần đây có tiến triển tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt tiến độ đề ra. Do đó các sở, ngành liên quan phải tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát lại tiến độ, trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu; chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ cho các dự án, công trình trọng điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục