TP.HCM quyết liệt và sát sao để thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án

Dự kiến đến cuối tháng 7/2019, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố phải công bố 40 bộ chỉ số thủ tục hành chính liên thông, kể cả việc phải làm việc ngày thứ 7, chủ nhật.
TP.HCM quyết liệt và sát sao để thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án ảnh 1Công trình ga Bến Thành. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm tháng đầu năm 2019 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 4/6, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo sở, ngành, quận huyện phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện cho được chủ đề năm 2019 là năm đột phá về cải cách hành chính.

Dự kiến đến cuối tháng 7/2019, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố phải công bố 40 bộ chỉ số thủ tục hành chính liên thông, kể cả việc phải làm việc ngày thứ 7, chủ nhật.

Giữa năm 2019, Thành phố phải sơ kết về việc thực hiện ủy quyền 85 đầu việc. Lãnh đạo các sở ngành tập trung đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ các dự án, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

[Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tăng mức vay vốn hàng năm]

Đối với những dự án liên quan đến các bộ ngành Trung ương phải "đeo bám" quyết liệt chứ không chỉ dừng lại ở việc gửi văn bản; trong đó có dự án metro số 1, kết nối giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến cao tốc Mộc Bài, rút ngắn quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng..., Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Cập nhật tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho hay dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được triển khai theo hình thức BT đang điều chỉnh quy hoạch, chờ Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện dự án BT. Sau đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ phê duyệt nghiên cứu khả thi dự án.

Trong khi đó, điểm vướng hiện nay của dự án chống ngập quy mô gần 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư là bồi thường giải phóng mặt bằng khi chỉ mới bàn giao được trên 80% mặt bằng.

Địa bàn năm quận, huyện nơi dự án triển khai cam kết chậm nhất ngày 30/6 sẽ cơ bản bàn giao đất cho đơn vị thi công. Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ làm việc hàng tuần với Ủy ban Nhân dân quận, huyện để thúc tiến độ bàn giao mặt bằng.

Đối với việc tổ chức mời gọi các doanh nghiệp tham gia dự án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt tái tạo năng lượng, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết đầu tháng 7/2019 sẽ công bố kết quả sơ tuyển, sau đó sẽ có danh sách rút gọn nhà đầu tư có năng lực. Dự kiến quý 2/2020 sẽ lựa chọn được nhà đầu tư.

Trước thông tin này, ông Nguyễn Thành Phong cho hay hiện nay trên địa bàn Thành phố có khối lượng rác thải sinh hoạt lên tới 8.900 tấn/ngày, chưa kể rác thải công nghiệp và y tế. Trong khi đó, công nghệ xử lý rác chỉ mới ở tái chế và chôn lấp. Vì thế, đến quý 2/2020 mới lựa chọn được nhà đầu tư là quá chậm. Các sở ngành liên quan cần nhanh chóng hỗ trợ ngay từ đầu cho doanh nghiệp để rút ngắn thời gian.

Về các kết quả kinh tế đã đạt được, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin tính chung năm tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 463.527 tỷ đồng, tăng 12,3%.

Thành phố có 16.664 doanh nghiệp trong nước được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 265.613 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất 36,7%.

Thành phố cũng thu hút được 2,77 tỷ USD từ doanh nghiệp FDI; trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất với 46,7%. Thu ngân sách năm tháng đầu năm 2019 đạt 165.199 tỷ đồng, đạt 41,39% dự toán, tăng 4,82% so cùng kỳ năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục